Tại sao vẫn cần tài khoản định danh điện tử khi đã có CCCD?
Hiện nay, việc định danh và xác thực thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa vào một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu. Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hiện nay chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh. Việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường không gian mạng, nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Thực tế hiện nay, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan Nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.
Công dân có thể thay thế căn cước công dân (CCCD) vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, tài khoản định danh điện tử ở mức 2 sẽ có giá trị sử dụng như CCCD đối với người Việt Nam, hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế đối với người nước ngoài.
Ngoài ra, khi cá nhân hoặc tổ chức cung cấp danh tính điện tử theo tài khoản định danh điện tử mức độ 2, bên sử dụng danh tính điện tử (cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có yêu cầu sử dụng danh tính số) không được yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ khác để chứng minh thông tin cá nhân đã cung cấp.
Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2
Công dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 qua ứng dụng VNeID. Tuy nhiên, để có tài khoản định danh ở mức độ 2, cá nhân cần đăng ký trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.
- Nơi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2
Công dân được cấp CCCD gắn chip sau ngày 14/2/2022 đã được đăng ký sẵn tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Để kích hoạt và tích hợp giấy tờ tại nhà, cá nhân chỉ cần tải ứng dụng VNeID. Ngoài ra, công dân có thể đến trực tiếp cơ quan Công an để đăng ký định danh mức độ 2 kể cả khi chưa có tài khoản định danh mức độ 1.
Khi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, người dân cần mang theo:
- Thẻ Căn cước công dân gắn chip.
- Các giấy tờ có nhu cầu tích hợp và hiển thị trên ứng dụng VNeID, như thẻ Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe và thông tin về mã số thuế.
- Thủ tục đăng ký định danh điện tử mức 2
Đối với những người đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp, việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đến nơi thực hiện đăng ký định danh điện tử mức 2 tại các cơ quan Công an xã, phường, thị trấn hoặc địa điểm từng thực hiện thủ tục cấp CCCD.
Bước 2: Cung cấp thông tin
- Xuất trình CCCD gắn chip và cung cấp thông tin liên lạc cá nhân như số điện thoại/địa chỉ email (thư điện tử).
- Xuất trình giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm và các giấy tờ khác để tích hợp thông tin vào tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID.
- Cán bộ sẽ tiếp nhận thông tin và nhập lên hệ thống định danh điện tử. Đồng thời công dân sẽ được thu dấu vân tay và chụp chân dung để xác thực với Cơ sở dữ liệu CCCD.
Bước 3: Thông báo kết quả
- Trong trường hợp không có kết quả ngay lập tức, cơ quan quản lý sẽ thông báo kết quả đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2 thông qua ứng dụng VNelD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Từ nay tới hết 2023: Người sinh 3 năm này bắt buộc phải đổi CCCD gắn chip, nếu không muốn bị phạt nặng
-
Năm 2024: 3 đối tượng bị thu hồi CCCD gắn chip, người dân nên biết sớm kẻo thiệt thòi
-
Duy nhất 1 đối tượng không phải cấp, đổi lại CCCD dù đã đến tuổi, là ai?
-
3 lưu ý quan trọng về Căn cước công dân được Công an khuyến cáo, người dân phải biết
-
5 trường hợp bị thu hồi, giữ thẻ CCCD người dân cần nắm rõ