Có cần thiết phải mặc áo chống nắng khi ngồi trong ô tô không?

( PHUNUTODAY ) - Người ta thường cho rằng đi ô tô là 'mưa không đến mặt, nắng không đến đầu', cơ thể đã được xe che chắn nên không cần phải chống nắng. Vậy quan điểm này có đúng hay không?

Ánh sáng mặt trời có chứa cả các tia UV (tia cực tím) có tác động xấu đến làn da của con người. Tiếp xúc trực tiếp với các tia UV trong thười gian dài sẽ làm tăng nguy cơ lão hóa da, làm da bị tăng sắc tố, bị cháy nắng, sạm nám. Về lâu dài, các vấn để của da có thể trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí phát triển thành bệnh K ở da.

Ngay cả khi trời không nắng nóng, ánh sáng mặt trời tự nhiên vẫn có các tia UV. Trong đó, tia UVA có thể xuyên qua các lớp cửa kính để tiếp xúc với da. Chỉ có tia UVB là bị cửa kính chặn lại.

Khi di chuyển ngoài trời, người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy hay các phương tiện thô sơ khác thường sẽ trang bị đầy đủ các loại mũ nón, áo chống nắng để chống lại cái nắng nóng của thời tiết cũng như tránh tình trạng da bị đen sạm, cháy nắng, bỏng rát do đi dưới ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài.

Trong khi đó, những người đi ô tô lại "sung sướng" hơn vì phương tiện này có thể che nắng rất tốt lại có phần điều hòa không khí giúp tránh được cái nắng nóng, oi bức ở bên ngoài. Tuy nhiên, nếu cho rằng ngồi trong ô tô không cần phải mặc áo chống nắng hay sử dụng các biện pháp chống nắng khác thì đó là sai lầm.

Có cần thiết phải mặc áo chống nắng khi ngồi trong ô tô là vấn đề khá nhiều người thắc mắc.

Như đã nói ở trên, cửa kính chỉ có thể cản được một phần tia UVB, còn tia UVA vẫn có thể xuyên qua cửa kính. Do đó, nếu không có biện pháp chống nắng, người ngồi trong ô tô vẫn sẽ bị các tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời tác động. Về lâu dài, nếu không có sự bảo vệ cần thiết, làn da vẫn đối mặt với các vấn đề lão hóa, sạm nám...

Do đó, dù ngồi trong ô tô, bạn vẫn nên trang bị các biện pháp chống nắng cần thiết cho bản thân. Cách chống nắng được đánh giá cao hiện nay là sử dụng kem chống nắng có chỉ sổ SPF 30 trở lên. Lưu ý, kem chống nắng không có tác dụng mãi mà sẽ giảm dần khả năng chống nắng theo thời gian và có thể bị trôi đi do mồ hôi hay tiếp xúc với nước, vì vậy, bạn cần phải bôi kem chống nắng mỗi 2-3 tiếng một lần để duy trì hiệu quả bảo vệ da, nhất là những khi phải tham gia các hoạt động ngoài trời, khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các loại quần áo chống nắng để bảo vệ cơ thể trước tác động của tia cực tím. Nên che chắn kỹ các vị trí dễ bị hở như mặt, cổ, cánh tay, bàn tay. Có thể mặc áo chống nắng, đeo găng tay chống nắng để bảo vệ các bộ phận này. 

Với các loại trang phục chống này, hãy chọn loại chất liệu có độ che phủ cao, vải có độ dày ví dụ như chất liệu jeans, cotton sẽ có tác dụng ngăn chặn tia UV tốt hơn so với một số loại vải khác mỏng hơn.

Hiện nay, trên thị trường có một số hãng đã gắn nhãn UPF cho các sản phẩm may mặc của mình. Đây là chỉ số xác định độ che chắn của vải đối với tia UV. Dựa vào chỉ số này, bạn có thể xác định được độ che chắn của vải. Chỉ số UPF càng cao thì khả năng bảo vệ da càng tốt, lượng ánh sáng có thể xuyên qua vải và tiếp xúc với da càng ít.

Tác giả: Thanh Huyền