Có nên nhể nanh sữa cho trẻ sơ sinh?

( PHUNUTODAY ) - Nanh sữa là một tổn thương lành tính, ít gây biến chứng và phần lớn tự tiêu biến sau khoảng từ 2 tuần đến 5 tháng. Trẻ mọc nanh sữa thường quấy khóc, biếng ăn gây nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ.

Để giải quyết tình trạng này, trẻ thường được đưa đến các cơ sở y tế để nhể hay chích nanh. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào hay thậm chí là nhân viên y tế nào cũng có hiểu biết chính xác về nanh sữa và những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của trẻ. Liệu việc chích nanh sữa có thật sự cần thiết cho mọi trường hợp hay không là vấn đề đáng được quan tâm và tìm hiểu.

Biểu hiện nanh sữa của trẻ

Biểu hiện lâm sàng là một hay nhiều nốt màu trắng hoặc vàng nhạt ở nông ngay dưới bề mặt niêm mạc lợi hàm trên, hàm dưới của trẻ. Kích thước mỗi nang thường vào khoảng 2 - 3mm, có trường hợp to đến một centimet nhưng hiếm gặp.

Cách xử lý

-Khi trẻ đã được chẩn đoán bị nanh sữa, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Trước tiên, cần đánh giá xem nanh sữa có gây khó chịu gì cho trẻ không, trẻ có quấy khóc, sốt bỏ bú hay không. Nếu không có những dấu hiệu trên thì chỉ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt và theo dõi, nanh sẽ tự biến mất sau 1 - 2 tuần.

-Nếu có dấu hiệu nanh nhiễm khuẩn gây đau, khó chịu cho trẻ cần đưa trẻ đến khám nha sĩ để chích hay nhể nanh. Thủ thuật này rất đơn giản, tuy nhiên thao tác cần nhanh và chính xác để tránh tổn thương xung quanh gây chảy máu, làm trẻ đau thêm và gây tâm lý lo lắng cho cha mẹ trẻ.

-Trước khi xử lý nên bôi một chút thuốc tê để giảm đau cho trẻ. Nanh sữa có lớp vỏ nang rất mỏng và nằm ngay sát niêm mạc nên chỉ cần dùng dụng cụ nhọn làm rách vỏ, nang sẽ tự vỡ giải phóng ra chất màu trắng hoặc vàng nhạt, đặc như nhân mụn trứng cá. Sau đó không cần can thiệp gì thêm, lợi chỗ chích rạch sẽ tự liền sau 1 - 2 ngày. Nanh sữa có thể tái phát sau khi chích nhưng sẽ ở vị trí khác.

- Trong dân gian cũng có một số mẹo vặt để chữa nanh sữa, tuy nhiên phải cẩn thận vì có thể gây đau đớn và gây nhiễm khuẩn nặng hơn cho trẻ vì không đảm bảo vô khuẩn.

Tác giả: Phùng Thu Thủy