Cơm nguội bảo quản trong tủ lạnh mấy ngày thì không ăn được nữa?

( PHUNUTODAY ) - Việc bảo quản cơm thừa sau các bữa ăn đã trở nên quá quen thuộc với các gia đình. Tuy nhiên, không phải cũng biết cơm nguội để tủ lạnh bao lâu thì không ăn được nữa.

Sau mỗi bữa ăn, việc thừa lại một ít cơm nguội là điều không hiếm gặp. Ngoài ra, một số người chọn cách nấu nhiều cơm và để phần cơm thừa không ăn đến vào tủ lạnh, bữa ăn đem ra hâm nóng là có thể dùng luôn, không mất công nấu. Cơm nguội cũng có thể tận dụng để làm các món như cơm rang, cơm cháy, cơm trộn...

Bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh đúng cách sẽ giúp cơm giữ được độ thơm ngon như mới nấu, không bị thay đổi chất lượng.

Cơm nguội bảo quản trong tủ lạnh mấy ngày thì không ăn được nữa?

Nếu bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, bạn có thể để cơm nguội trong khoảng 3-5 ngày (tùy điều kiện nhiệt độ củ thể và cách bảo quản). Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên ăn cơm nguội bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong vòng 1-2 ngày để hạn chế tình trạng vi khuẩn xâm nhập, phát triển.

Một số vi khuẩn, đặc biệt là Bacillus cereus, một loại vi khuẩn tồn tại phổ biến trong gạo, vẫn có thể phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp, làm cơm bị biến chất. Việc bảo quản không đúng cách sẽ khiến cơm bị hỏng ngay cả khi để trong tủ lạnh.

Vi khuẩn Bacillus cereus vẫn có thể sống sót sau quá trình nấu cơm ở nhiệt độ cao. Loại vi khuẩn này sẽ sinh sôi, phát triển khi cơm được để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài. Chúng sinh ra độc tố khiến người ăn bị nôn mửa, tiêu chảy. Vì vậy, trường hợp cơm đã nguội nhưng không được bảo quản lạnh nhanh chóng, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh hơn.

Ngay cả khi cơm đã được để trong tủ lạnh, nếu đã nhiễm khuẩn trước đó và việc hâm nóng cũng không đủ để loại bỏ các độc tố đã được sản sinh trước đó.

Bạn có thể bảo quản cơm nguội trong ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 3-5 ngày.

Cách bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh

Bạn cần xơi cơm ra tô hoặc hộp, để ở ngoài cho cơm nguội hẳn (dùng lồng bàn để che đậy, ngăn côn trùng tiếp xúc). Thời gian để cơm nguội này không kéo dài quá 1 tiếng. Sau đó, đậy kín nắp hộp hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc kín tô cơm và để trong ngăn mát tủ lạnh. Lưu ý, không dùng muôi/thìa sạch không dính thức ăn để xới cơm. Hộp đựng cơm cũng phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ.

Không nên đậy kín cơm khi còn nóng vì hơi nước cũng như nhiệt độ sẽ làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn, làm cơm nhanh thiu hơn.

Không nên để hở cơm vì như vậy cơm sẽ dễ hấp thụ mùi của các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh cũng như dễ bị lây nhiễm chéo vi khuẩn.

Nhiệt độ bảo quản cơm trong ngăn mát nên dưới 4 độ C.

Lưu ý, không để cơm ở cánh cửa tủ lạnh vì vị trí này có nhiệt độ không ổn định do cánh tủ thường xuyên được đóng mở.

Nếu thấy cơm nguội có mùi chua, mùi lạ hoặc xuất hiện các màu sắc khác thường như xanh, vàng, đốm đen, cơm bị nhớt, dính cục bất thường thì tốt nhất nên bỏ đi. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho việc cơm đã bị hỏng.

Hâm nóng cơm nguội như thế nào để đảm bảo an toàn?

Có nhiều cách hâm nóng cơm khác nhau. Đơn giản và tiện lợi nhất là cho cơm vào lò vi sóng để làm nóng. Bạn nên trộn cơm với một chút nước để cơm không bị khô. Làm nóng cơm trong lò vi sóng khoảng 1-2 phút là được (tùy công suất của lò).

Bạn cũng có thể cho cơm vào chảo, thêm chút xíu nước rồi đảo đều tay cho cơm nóng lên.

Với lượng cơm lớn, bạn có thể cho cơm vào nồi cơm điện, trộn với một chút nước rồi bật chế độ cook hoặc warm để cơm được hâm nóng.

Cơm nguội được hâm nóng có thể ăn bình thường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu cơm được bảo quản đúng cách, chất lượng không bị biến đổi. Tuy nhiên, không nên hâm lại cơm quá nhiều lần khiến cơm mất chất, không ngon.

Tác giả: Bích Loan