Con hư tại mẹ có sai không?
Từ trước đến nay hễ trẻ con trong nhà không ngoan, các bà mẹ đều bị mang tiếng “con hư tại mẹ”. Liệu cái “tội” này có oan cho các mẹ lắm không? Và có bao giờ mẹ tự hỏi cớ sao tiếng oan ấy lại gán cho mình?
Không tự nhiên mà lại có câu tục ngữ như vậy. Từ xưa đến nay, việc nuôi dạy con cái vẫn luôn được cho là người phụ nữ có trách nhiệm phần lớn hưn, vì đàn ông còn phải lo những “công to việc lớn” ở bên ngoài, và người mẹ, người bà thì bao giờ cũng dễ nói chuyện, tâm tình và gần gũi trẻ nhỏ hơn. Nói “con hư tại mẹ” vì sự thương yêu con cháu của đa số những bà mẹ đối với con trẻ bằng con tim và cảm xúc chứ không phải bằng lý trí. Dĩ nhiên là một đứa con bị hư không chỉ tại bà mẹ, bà nội hay bà ngoại của chúng, nhưng cũng có thể tại người cha, những anh chị em trong gia đình, những bạn bè, những lối giáo dục trong học đường, những hủ tục và những ảnh hưởng xấu của một nền văn hóa kém đạo đức và luân lý. Câu tục ngữ này nói lên sự liên hệ mất thiết của những đứa trẻ đối với những bà mẹ và chúng chịu ảnh hưởng nhiều từ những cách giáo dục và lối ứng xử của những người mà chúng thường xuyên tiếp cận.
Nói con hư tại mẹ là không sai! Cách nuôi dạy con của người mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, úng xử và phát triển về mọi mặt của con trẻ. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, với nhiều thay đổi, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người mẹ. Và trách nhiệm nuôi dạy con cái thì cần phai được san sẻ, vì người phụ nữ không còn chỉ mang vai trò người nội trợ mà còn đảm nhận nhiều công việc, trọng trách xã hội không thua kém gì đàn ông.
Con hư tại mẹ hay mẹ hư tại con?
Ngày xưa có câu: ‘Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Ngày nay có câu: “ Con hư tại mẹ, tại cha. Cháu hư là tại cả bà lẫn ông”.
Nhưng tại sao lại nói là “mẹ hư tại con?”. Trẻ con ngày nay đã có nhiều thay đổi so với những đứa trẻ trong thời kỳ trước. Đơn giản như việc chúng đã có tiếng nói hơn trong gia đình. Thậm chí, ở nhiều gia đình, bố mẹ còn không thể nói nổi con mình, hoặc do quá nuông chiều chúng, khiến chúng trở nên ngang bướng, khó bảo.
Mẹ hư tại con ở đây chính là để chỉ những trường hợp những bậc phụ huynh bị ảnh hưởng bởi chính con cái của mình, hoặc do quá bao bọc con cái, nuông chiều con cái. Ngược lại, có nhiều trường hợp, những đứa trẻ trong các gia đình Việt luôn răm rắp nghe theo bất cứ lời nào của bố mẹ. Theo quy tắc truyền thống, dù còn nhỏ hay đã bắt đầu trưởng thành, chúng không có quyền phát biểu ý kiến, hay thậm chí bị coi là “cãi”, hỗn láo. Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, đặc biệt là người thân, cha mẹ mình. Thử nghĩ mà xem, bạn làm chúng hư, rồi chúng xem đó là đúng, chúng hành xử y như vậy với người khác, bạn lại trách phạt chúng vì làm sai. Như vậy, ai mới là người sai?
Quay trở lại câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, trách nhiệm thì ông bà hay cha mẹ gì cũng đều có trách nhiệm cả. Quan niệm này phần lớn phù hợp với quan điểm và xã hội xưa. Khi ấy việc dạy con là do người phụ nữ đảm nhận phần lớn nên khi con, cháu hư thì đổ thừa như vậy. Còn ngày nay, thừa nhận là câu này cũng có phần đúng, nhưng chỉ đúng phân nửa. Ngoài mẹ, nhiều lúc bà cưng cháu quá nên can thiệp trực tiếp vào chuyện dạy con của con mình, nhất là những lúc căng thẳng. Chính điều này làm hư trẻ con, vì những lúc bị cha mẹ la thì chúng sẽ cầu cứu tới bà để thoát khỏi những đòn roi hay những lời dạy bảo nghiêm khắc của cha mẹ. Việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm chung, đừng vì những quan niệm không còn hoàn toàn phù hợp mà đem ra làm cái cớ để đổ lỗi cho người phụ nữ!
Còn những người mẹ, chúng ta thừa nhận rằng ở thời nào đi nữa, quan niệm “con hư tại mẹ” cũng không bao giờ sai! Nhưng phải nuôi dạy con thế nào, để con ngoan vì mẹ, mà mẹ cũng không “hư” tại con.
Tác giả: Nguyễn Ái