Đã bao lâu rồi bạn không ôm con? 8 điều cha mẹ nên làm để con lớn lên trưởng thành trong hạnh phúc

( PHUNUTODAY ) - Phụ huynh hãy dành cho trẻ những điều tử tế, đơn giản để chúng học cách trưởng thành.

Cho con thời gian rảnh

Nhiều phụ huynh quá kỳ vọng con thành công nên lên lịch học dày đặc. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, cũng cần thời gian nghỉ ngơi và làm việc yêu thích. Vì thế, cha mẹ nên cho con đủ thời gian rảnh, tránh trường hợp con quá tải, dễ dẫn đến bùng nổ cảm xúc, phát sinh hành vi tiêu cực.

Để con là chính mình

Phụ huynh tử tế không ép con kìm nén con người thật của mình hay cố gắng biến con thành người khác với bản chất. Nhiều người thích so sánh trẻ với "con nhà người ta". Cách này thường phản tác dụng. Thái độ của bố mẹ tổn thương lòng tự trọng của con, khiến chúng bực bội, nảy sinh suy nghĩ tiêu cực về người lớn. Nó cũng ảnh hưởng bản thân trẻ khi trưởng thành, dẫn đến suy nghĩ mình chưa đủ tốt khi so sánh với người khác.

Ảnh minh họa

Có cuộc sống riêng

Nhiều người hy sinh hầu hết thời gian, năng lượng cho con cái nhưng họ cũng cần có cuộc sống riêng. Sự quan tâm quá mức với hành vi mang tính chiếm hữu, kiểm soát và không để trẻ tự do khiến chúng áp lực. Trong khi đó, điều con cần là hình mẫu để noi theo chứ không phải người dồn hết trọng tâm vào con cái và gia đình. Ngoài ra, cách sống của cha mẹ cũng tác động đến tư duy của con. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có mẹ đi làm thường thành công hơn trong công việc.

Không cố làm bố mẹ hoàn hảo

Nhiều người cố gắng làm tốt nhất có thể để con cái hạnh phúc. Nhưng điều đó không có nghĩa họ phải hoàn hảo. Chạy theo mục tiêu hoàn hảo, phụ huynh luôn che giấu cảm xúc thật, cố kiểm soát mọi chuyện. Khi không làm được, họ cảm thấy có tội và ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với con.

Chơi cùng con, tạo kỷ niệm vui vẻ với con

Kỷ niệm tuổi thơ giúp chúng ta biết cách phản ứng trước các sự kiện và nhìn nhận thế giới. Nghiên cứu cho thấy trẻ có nhiều kỷ niệm đẹp trưởng thành khỏe mạnh và cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn. Họ nhìn đời bằng thái độ tích cực, kiểm soát áp lực tốt hơn, dễ tạo mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.

Chơi đùa vui vẻ có thể là một cách tuyệt vời để ba mẹ gắn kết với trẻ ở mọi lứa tuổi, chẳng hạn như xem phim cùng nhau hoặc đưa chúng đi du lịch trong ngày, đây sẽ là khoảng thời gian con được thư giãn và ba mẹ cũng hiểu rõ về con mình nhiều hơn.

Luôn thể hiện tình yêu với con, ôm con mỗi ngày nếu có thể

Thể hiện tình yêu và tình cảm sẽ giúp trẻ tránh được các vấn đề về tâm lý và hành vi sai lệch, làm cho trẻ kiên cường hơn trong việc đối phó với căng thẳng. Nó cũng tăng cường sự gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái, khiến đứa trẻ cảm thấy được bảo vệ nhiều hơn. Bằng cách này, cha mẹ cũng dạy con cách thể hiện tình yêu và chăm sóc mọi người, giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ an toàn và tốt đẹp hơn trong tương lai.

Tạo ra sợi dây kết nối tình cảm gia đình

Trẻ em cần một môi trường tốt, cho chúng cảm giác an toàn, thoải mái khám phá thế giới xung quanh. Nó cũng giúp trẻ đối phó với căng thẳng và biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Trẻ có kỹ năng xã hội tốt sẽ hình thành mối quan hệ lành mạnh với những người khác trong tương lai. Chúng không sợ bị từ chối và cởi mở tương tác với mọi người. Những đứa trẻ này cũng có kết quả tốt hơn ở trường vì chúng có sự hỗ trợ và tin tưởng của gia đình.

Dạy con nhận thức được cảm xúc và hành vi của mình

Phụ huynh thường khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc tích cực và kìm nén cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, việc bỏ qua cảm xúc tiêu cực không khiến chúng biến mất. Do đó, họ nên dạy con hiểu buồn bã, thất vọng, tức giận là chuyện bình thường và tại sao con cảm thấy vậy, đồng thời biết cách thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh.

Một đứa trẻ nên biết rằng cha mẹ chúng sẽ yêu thương chúng vô điều kiện và hành vi của chúng như thế nào cũng không làm thay đổi điều đó. Nhưng nếu con sai, cha mẹ nên giải thích vì sao hành động đó khiến mình khó chịu và hậu quả của nó. Mục đích chính không phải là kiểm soát trẻ thông qua cảm giác tội lỗi và xấu hổ, mà là biến chúng thành một cá nhân có trách nhiệm kiểm soát hành vi. Cha mẹ cũng đừng nghĩ mình chỉ ra lỗi của con sẽ khiến trẻ sợ hãi mà hãy nghĩ, đó là cách giúp con biết đồng cảm với cảm xúc của người khác.

Tác giả: Vũ Ngọc