Chọn ngân hàng
Khi gửi tiết kiệm, việc đầu tiên cần chú ý chính là chọn ngân hàng. Ngân hàng được chọn cần thỏa mãn các yếu tố như uy tín, lãi suất hấp dẫn, giao dịch an toàn, nhanh chóng và tiện lợi, sản phẩm tiết kiệm đa dạng, có nhiều chính sách ưu đãi...
Hiện nay Việt Nam có 2 nhóm ngân hàng chính là ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) có độ an toàn cao nhưng lãi suất thường thấp hơn nhóm các ngân hàng TMCP từ 1 - 1,5%/năm.
Nhóm ngân hàng TMCP có nhiều ưu đãi hấp dẫn, lãi suất huy động thường cao hơn các ngân hàng thương mại nhà nước. Về độ an toàn, bạn không cần lo lắng nhiều vì các ngân hàng đều chịu sự quản lý chặt chẽ của ngân hàng nhà nước.
Lãi suất tiết kiệm
Nhằm thu hút khách hàng gửi tiền, các ngân hàng luôn đưa ra mức lãi suất cạnh tranh. Từ cuối tháng 9/2022 đến nay, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục tăng lên. Có ngân hàng tiến hành tăng lãi suất tới 2-3 lần/tháng.
Vì vậy, khách hàng nên chú ý đến biểu lãi suất của các ngân hàng để có lựa chọn phù hợp, hưởng mức lãi suất cao nhất có thể.
Kỳ hạn tiết kiệm và hình thức tiết kiệm
Các ngân hàng có nhiều sản phẩm tiết kiệm với các kỳ hạn ngắn và dài. Thông thường, các kỳ hạn ngắn sẽ là 1 tuần, 1 tháng cho đến 6 tháng; các kỳ hạn dài có thể là 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng cho tới tận 15 năm. Lưu ý, mỗi kỳ hạn sẽ có một mức lãi suất khác nhau. Thông thường, các kỳ hạn dài sẽ có lãi suất cao hơn.
Tùy vào mục đích gửi tiết kiệm (để mua xe, mua nhà, dưỡng già...), khách hàng có thể đưa ra lựa chọn kỳ hạn tiết kiệm phù hợp.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần chú ý đến ngày đáo hạn và tất toán sổ tiết kiệm. Khi đến ngày đáo hạn, khách hàng có thể thực hiện thủ tục tất toán, nhận lại toàn bộ số tiền gốc và lãi. Việc rút tiền trước kỳ hạn quy định có thể sẽ khiến khách hàng mất đi một khoản tiền lãi lớn so với dự kiến.
Bên cạnh kỳ hạn, khách hàng còn phải chú ý đến hình thức gửi tiết kiệm. Khách hàng có thể lựa chọn cách gửi tiết kiệm truyền thống, thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm online thông qua các ứng dụng ngân hàng. Khi mở sổ tiết kiệm trực tiếp tại văn phòng giao dịch, khách hàng sẽ phải đến trong giờ hành chính, xếp hàng chờ tới lượt. Trong khi đó, với hình thức gửi tiết kiệm online, khách hàng có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Ngoài ra, một số ngân hàng có thể để mức lãi suất cho hình thức gửi tiết kiệm online cao hơn 1-2%/năm so với gửi tiết kiệm tài quầy. Tuy nhiên, hình thức gửi tiết kiệm online sẽ yêu cầu khách hàng phải am hiểu về việc sử dụng điện thoại thông minh, các ứng dụng ngân hàng...
Cân nhắc dịch vụ, tiện ích đi kèm
Để thu hút và giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng sẽ đưa ra các dịch vụ, tiện ích đi kèm khi gửi tiền tiết kiệm như rút thăm trúng thưởng, nhận quà tặng, nhận gói bảo hiểm...
Khách hàng có thể cân nhắc về tiện tích, khuyến mãi mà mình được hưởng trước khi quyết định chọn ngân hàng để gửi tiền.
Vào các dịp đặc biệt như đầu năm, cuối năm, các ngày lễ Tết, các ngân hàng thường tung ra các chương trình ưu đãi. Khách hàng có thể lựa chọn thời điểm này để nhận thêm một số lợi ích nhất định.
Không "bỏ trứng vào một giỏ"
Khi gửi tiết kiệm, khách hàng nên chia số tiền mình có thành một vài khoản nhỏ hơn và gửi ở các ngân hàng khác nhau để đề phòng rủi ro.
Ví dụ, nếu bạn có 100 triệu thì có thể chia ra thành ít nhất 2 sổ tiết kiệm. Một sổ gửi dài hạn, một sổ gửi ngắn hạn. Khi có việc cần thiết, bạn có thể dễ dàng rút tiền ở tài khoản ngắn hạn để chi tiêu mà không làm ảnh hưởng đến lãi suất của sổ còn lại.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Vì sao trên thớt luôn có 1 lỗ khuyết lớn: Rất nhiều đầu bếp lâu năm vẫn tưởng chỉ để trang trí
-
Mua thịt lợn nên chọn miếng đậm hay miếng nhạt: Hai loại này có sự khác biệt lớn, không phải ai cũng biết
-
Làm thêm bước này, gà luộc da vàng ươm, không nứt: Đặt lên mâm cỗ Tết là đúng chuẩn, các cụ ưng bụng
-
Đặt bát nước vào tủ lạnh: Mẹo nhỏ nhưng giúp bạn tiết kiệm được tiền triệu hàng tháng
-
10 mẹo vặt từ vỏ chuối ‘cứu’ bạn trong nhiều tình huống, ai không biết quá tiếc