Thớt là một đồ dùng vô cùng quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam. Trung bình mỗi nhà sẽ có từ 1-3 chiếc thớt khác nhau tùy vào nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên có bao giờ bạn tự hỏi tại sao trên mỗi chiếc thớt đều có một lỗ khuyết lớn hay không, chúng dùng để làm gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Bạn có thể nhận ra rằng phần lớn những chiếc thớt đều có một lỗ khá lớn gần ngoài rìa. Thông thường, phần lớn mọi người đều nghĩ rằng chiếc lỗ dùng để treo lên giá hay tường hoặc dùng để cầm nắm dễ dàng. Thế nhưng, trên thực tế cấu tạo đặc biệt này ra đời lại phục vụ cho một mục đích hoàn toàn khác.
Bình thường, khi thái đồ ăn, đặc biệt là khi thái thành những miếng nhỏ, bạn sẽ ít nhiều gặp khó khăn khi dồn thành phẩm vào bát hay đĩa. Thực phẩm rất dễ rơi rớt ra ngoài và sẽ phải rửa lại mất thời gian. Nếu bốc tay, nhất là với những đồ ăn chín thì khả năng nhiễm khuẩn từ tay là rất cao, chưa kể nhìn cũng mất vệ sinh.
Cách làm đúng là bạn dùng dao vừa thái xong, dồn đồ ăn qua chiếc lỗ để chúng rơi xuống khay hay bát đĩa phía dưới một cách dễ dàng. Phương pháp này áp dụng với những loại thực phẩm được thái hạt lựu hay thịt băm.
Ngoài ra, khi dùng thớt, bạn cũng cần coi trọng một số lưu ý khác như:
- Sử dụng thớt dành riêng cho đồ sống và đồ chín, không dùng lẫn 2 loại. Vi khuẩn từ đồ sống sẽ nhiễm vào những loại đồ ăn ngay, rất dễ gây đau bụng, tiêu chảy.
- Bạn cũng cần giữ thớt thật khô để tránh nấm mốc, nhất là với những loại thớt gỗ. Sau khi dùng xong, bạn nên rửa sạch, để khô, tốt nhất là hong khô trong máy rửa bát.
- Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, bạn nên dùng thớt gỗ thay vì thớt nhựa bởi khi để qua đêm, vi khuẩn trên thớt nhựa còn lại nhiều hơn so với thớt gỗ.
- Nên dùng thớt mới hoặc nguyên vẹn, khi thớt đã cũ hoặc có nhiều vết lõm do dao cứa thì bạn nên thay chiếc khác. Bởi lúc này thớt đã biến chất khiến cho thực phẩm sau khi thái sẽ bám lại trên bề mặt thớt khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào nếu bạn tiếp tục sử dụng có thể gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm cho hệ tiêu hóa.