Lưu ý khi lau dọn bàn thờ
Hiện nay nhiều gia đình cho rằng phải chờ đến ngày 23 tháng Chạp mới tiến hành lau dọn bàn thờ, tỉa chân hương/chân nhang. Thậm chí có nhà còn để chân hương quá nhiều, tầng tầng lớp lớp từ năm này qua năm khác với quan niệm chân hương càng nhiều càng có lộc. Tuy nhiên, chia sẻ với Dân trí, Tiến sỹ Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho biết đây là quan niệm sai lầm.
Trong tín ngưỡng của người Việt, bàn thờ là nơi thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, là nơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhà.
Việc lau dọn bàn thờ cần được thực hiện thường xuyên. Nó thể hiện lòng thành tâm, hiếu nghĩa, tri ân với những người đã khuất. Bất cứ khi nào bàn thờ chưa được trang nghiêm, thanh tịnh thì gia chủ cần dọn dẹp ngay. Hoặc gia chủ cũng có thể tiến hành dọn dẹp bạn thờ định kỳ các tháng chứ không cần phải chờ đến cuối năm.
Trước khi lau dọn bàn thờ, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, thắp hương "xin phép" thần linh, gia tiên.
Việc lau dọn bàn thờ nên được thực hiện từ trên cao xuống thấp. Dùng khăn mềm để lau các bức tượng, tránh tượng bị trầy xước, bay màu sơn. Có thể dùng các loại máy thổi hơi để thổi sạch các bụi bẩn bám trong những ngóc ngách khó lau dọn.
Đối với các tượng đồng, không nên lau rửa bằng rượu, cồn hay hóa chất để tránh đồng bị oxy hoá, nhanh xỉn hoặc chuyển sang màu xanh.
Đối với bát hương, gia chủ có thể dùng rượu hoặc nước thảo dược cùng với khăn sạch, lau từ miệng bát hương trở xuống. Lưu ý, khi lau dọn không được làm xê dịch tượng hay bát hương. Trong trường hợp bất khả kháng phải xê dịch những vật này, sau đó gia chủ nên làm lễ thắp hương và đặt chúng về đúng vị trí ban đầu.
Ông Khanh cho rằng nên thường xuyên tỉa chân hương, không nên để quá nhiều chân hương vì như vậy bát hương bị rác, bàn thờ nhanh bụi bẩn. Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng ít một cho tới khi còn số chân hương lẻ trong bát (thường là 3, 5, 7, 9...). Số chân hương đã rút sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Lưu ý, không vứt chân hương và đồ thờ cúng ở những nơi ô uế.
Bàn thờ cần có những vật phẩm gì?
Theo TS Vũ Thế Khanh, bàn thờ cần đặt ở nơi thoáng khí, không gian thanh tịnh, trang nghiêm. Trên bàn thờ gia tiên không thể thiếu bát hương, nước tinh khiết, thanh tịnh, đèn, nến. Ngoài ra, tùy theo điều kiện gia đình mà có thể sắm thêm hoành phi, câu đối, lư hương, đỉnh đồng...
Đồ dâng cúng thường là hoa tươi, trái cây, trầu cau... Không bày những thứ hôi tanh, hoa quả đã thối hỏng... Nên cúng đồ tịnh tài (tiền thật), tịnh vật (đồ cúng phải là đồ thật, còn mới), không nên cúng đồ cũ, tiền giả, đồ giả...
Điều quan trọng khi làm lễ không phải là mâm cao cỗ đầy, phô trương tốn kém mà phải thể hiện lòng thành tâm, hiếu kính.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Tác giả: Thanh Huyền
-
5 loại cây chặn đứng tài lộc, đuổi Thần Tài: Thích mấy cũng không nên trồng trong nhà
-
Trong nhà xuất hiện 10 dấu hiệu này coi chừng xui xẻo ập tới, làm ngay 6 điều để hóa giải
-
Cổ nhân dạy nhà có ‘3 nhiều, 1 ít’ tài lộc khó suôn sẻ, làm mãi vẫn nghèo
-
Các cụ dặn dò: 'Cửa lớn đối cửa sổ, gia đình suy bại, của cải tiêu tan', con cháu nhớ cho kỹ
-
Các cụ nói: 'Trong nhà đặt 3 món đuổi tài - đuổi tiền - đuổi lộc', muốn khá giả hãy vứt bỏ liền