Đây là lý do đắt hay rẻ bạn cũng nên mua nhãn về ăn, nhất là dân văn phòng nên bổ sung nhiều

( PHUNUTODAY ) - Đây là lý do đắt hay rẻ bạn cũng nên mua nhãn về ăn, nhất là dân văn phòng nên bổ sung nhiều - tìm hiểu ngay hôm nay.

Nhãn là trái cây phổ biến của mùa hè ở một số quốc gia châu Á, có thể ăn tươi hoặc sấy khô. Loại quả này có vị ngọt, dễ ăn và tốt cho sức khỏe.

 

Xoa dịu sự căng thẳng

Quả nhãn là một trong những trái cây phổ biến trong mùa hè. Đây cũng là loại quả được nhiều người yêu thích do có vị ngọt, thanh mát. Đa phần mọi người ăn nhãn vì thấy thích hoặc ngon miệng, rất ít người biết được ăn nhãn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo y học cổ truyền, nhãn không chỉ là trái cây để ăn mà còn là bài thuốc quý. Long nhãn (cùi nhãn) có vị ngọt, tính ấm giúp bổ tâm tỳ, tăng cường trí nhớ, tăng cường tuổi thọ… Long nhãn có thể  kết hợp với các vị thuốc khác để bồi bổ cơ thể, chống mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Y học hiện đại đã phân tích được nhãn là một thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe của mọi lứa tuổi đặc biệt với trẻ nhỏ đang tuổi đi học, người làm việc căng thẳng, người già mắc chứng hay quên…

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện y học ứng dụng cho biết, trong 100g quả nhãn có 60 Kcal năng lượng, 15g Carbohydrate, chất xơ 1,1g, Protein 1,3g. Một số vitamin khoáng chất quan trọng có thể kể tới như: Vitamin C 84mg, Vitamin B2 0,1mg, Canxi 1mg, Sắt 0,13mg, Magie 10mg, Kali 266mg. Đây đều là những chất quan trọng đối với cơ thể con người.

Ăn nhãn tốt cho những người thường xuyên phải làm việc căng thẳng, dân văn phòng làm việc tập trung cao độ trước máy tính. Vì trong nhãn có chứa các hoạt chất tốt cho hệ thần kinh, cải thiện bệnh trầm cảm.

“Các hoạt chất trong nhãn có tác dụng thư giãn các dây thần kinh và tăng cường chức năng hoạt động. Vì vậy, quả nhãn rất phù hợp là món ăn vặt cho dân văn phòng. Khi cơ thể mệt mỏi, đau nhức và kiệt sức có thể uống trà long nhãn. Một ly trà long nhãn giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe, chống suy nhược thần kinh”, TS.BS Sơn nói.

Trong quả nhãn có chứa nhiều sắt, khi ăn sẽ tốt cho quá trình lưu thông máu, giúp ghi nhớ tốt hơn. Trẻ nhỏ trong mùa thi cử nên ăn bổ sung thêm nhãn, người thiếu máu, da xanh mệt mỏi khi ăn nhãn sẽ tăng cường quá trình hấp thu sắt trong cơ thể hạn chế thiếu máu, rất tốt cho hệ thần kinh, cải thiện trí nhớ và sức khỏe tim mạch.

Không chỉ tốt cho hệ thần kinh, trí não, ăn quả nhãn còn có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Do có chứa các chất ức chế oxy hóa chống lại các gốc tự do trong cơ thể và bảo vệ các tế bào không bị tổn thương, quá trình lão hóa sẽ diễn ra chậm hơn. Vitamin C có trong nhãn không chỉ có chức năng tăng cường sức khỏe mà còn giúp đẹp da, chống lão hóa.

Quả nhãn cực kỳ tốt cho phụ nữ

Vào mùa hè, thời tiết thường có những diễn biến bất thường, nắng nóng mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ cao tao điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút phát triển và gây bệnh.  Thường xuyên ăn nhãn sẽ giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch chống lại một số bệnh do thay đổi thời tiết dễ mắc như cảm lạnh, cảm cúm.

TS.BS Sơn cho hay, nhãn được xếp vào loại trái cây của mùa hè có chứa năng lượng, ít chất béo nên người muốn giảm cân, ăn kiêng vẫn có thể ăn hàng ngày. Trái nhãn có chứa chất xơ nên giúp phòng bệnh đau dạ dày.

 

Lưu ý khi ăn nhãn

Có thể gây động thai

Theo các chuyên gia sức khỏe, phụ nữ mang thai có sức khỏe yếu, hay nóng trong người hoặc bị táo bón, miệng đắng, không nên ăn nhãn, đặc biệt khi mang thai 7-8 tháng. Loại quả này có thể gây nóng trong, đau bụng, chảy máu, thậm chí gây động thai, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thai nhi và bà mẹ.

Gây nóng trong

Ăn quá nhiều nhãn vào mùa hè có thể khiến cơ thể sinh nhiệt, gây nóng trong, nổi mụn trứng cá.

Tăng cân, đường huyết

Nhãn chứa hàm lượng đường khá cao, do vậy, ăn nhiều nhãn có thể làm tăng lượng đường cho cơ thể, gây tăng cân. Tiêu thụ 300 g nhãn tương đương với 1,5 bát cơm bạn ăn mỗi ngày.

Ngoài ra, ăn nhiều nhãn một lúc làm tăng lượng đường trong máu đột ngột, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, những người bị bệnh tiểu đường không nên hoặc hạn chế ăn nhãn.

Tác giả: Xuân Bình