Điều cần biết sau khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch

( PHUNUTODAY ) - Ngày 11-3 vừa qua, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là 'đại dịch' trong một cuộc họp báo. Sau thông báo này, bạn cần nắm rõ thông tin quan trọng dưới đây:

1. Phân biệt "đại dịch" khác "dịch bệnh" thế nào?

Trước hết, theo từ điển dịch tễ học, nguồn tham khảo tiêu chuẩn của các nhà dịch tễ học, "đại dịch" (pandemic) là "một dịch bệnh (epidemic) xảy ra trên toàn thế giới, hoặc trên một vùng rộng lớn, vượt qua cả các biên giới quốc tế và thường ảnh hưởng tới một số lượng người rất lớn".

Một điều quan trọng cần nhớ là từ "đại dịch" chỉ nói tới quy mô bao nhiêu khu vực trên thế giới đang phải ứng phó với cấp độ lây lan gia tăng của bệnh dịch, và về lý thuyết, không nói tới mức độ nghiêm trọng của căn bệnh đó.

Chẳng hạn năm 2009 bệnh cúm H1N1 được WHO công bố là một đại dịch vì đã có tới 1/5 cư dân toàn thế giới mắc bệnh. Tuy nhiên bệnh này không gây nguy hiểm chết người lớn khi tỉ lệ người chết trong dịch chỉ là 0,02%.

Các chủng virus corona trước đây cũng rất nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ gia tăng cấp độ trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Nói cách khác, việc tuyên bố một dịch bệnh là "đại dịch" là chuyện khá hiếm.

Dịch SARS giai đoạn 2002-2003, do một chủng virus corona cùng họ với virus SARS-CoV-2 hiện nay, mặc dù đã lây nhiễm cho khoảng 8.000 người ở 26 quốc gia nhưng cũng chủ yếu xảy ra tại Trung Quốc và Hong Kong, và vẫn chưa tới mức là đại dịch dù tỉ lệ tử vong là 10%.

Khi dịch bệnh này nhanh chóng được kiểm soát và kể từ năm 2004, không còn ca bệnh SARS nào xuất hiện.

2. Những điều cần biết để ngăn ngừa đại dịch

Gọi COVID-19 là đại dịch không có nghĩa là nó trở nên nguy hiểm hơn mà đó là sự thừa nhận về sự lây lan toàn cầu của nó.

Tedros Adhananon Ghebreyesus, người đứng đầu WHO đã nhắc lại nhiều lần trong cuộc họp báo vào ngày 11/3 rằng việc công bố COVID-19 là đại dịch không thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus gây ra. "Điều này không làm thay đổi những gì WHO đang làm và không thay đổi những gì mà các quốc gia nên làm", ông Tedros nói.

Tedros cũng kêu gọi mọi người đừng chỉ tập trung vào từ "đại dịch" mà thay vào đó hãy tập trung vào những vấn đề khác đó là: phòng ngừa, dự phòng, sức khỏe cộng đồng và người dân.

WHO nhắc lại việc lời kêu gọi các quốc gia phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly, tìm kiếm và huy động công dân của họ để đảm bảo rằng có thể ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh rộng hơn trong cộng đồng.

Tất cả chúng ta vẫn cần có trách nhiệm bảo vệ chính mình và những người khác. Mọi người nên thường xuyên rửa tay (và rửa kỹ bằng xà phòng); duy trì khoảng cách ít nhất một mét với người nào ho hoặc hắt hơi, và tránh tiếp xúc thân thể khi chào hỏi; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng; che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi; ở nhà và tìm kiếm sự chăm sóc y tế từ bệnh viện nếu cảm thấy không khỏe.

Trong khi virus corona chủng mới có thể lây nhiễm cho mọi người ở mọi lứa tuổi, có bằng chứng cho thấy người già (60 tuổi trở lên) và những người mắc bệnh tiềm ẩn (như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư) có nguy cơ cao hơn.

Những người trong các trường hợp này nên thực hiện thêm các biện pháp gồm đảm bảo bất cứ ai tới nhà cũng phải rửa tay, thường xuyên lau chùi và khử trùng bề mặt nhà và lập kế hoạch chuẩn bị cho sự bùng phát trong cộng đồng.

Tác giả: Mộc