Điều gì là quan trọng nhất trong đời? Đây là câu trả lời của người Mỹ, châu Âu và Trung Quốc

( PHUNUTODAY ) - Bạn sẽ dành thời gian ưu tiên cho việc kiếm tiền hay chăm lo gia đình?

Ngày nọ, một nhóm bạn thân người Úc đã trò chuyện cùng một anh bạn người Trung Quốc. Chủ đề mà họ nói đến là mức coi trọng gia đình của người Trung Quốc và người Úc khác nhau như thế nào.

Thật bất ngờ, mấy anh bạn người Úc này đã thẳng thắn nói: “Cậu đừng giận, thật ra, chúng tớ cảm thấy người Trung Quốc các cậu vốn không yêu thương gia đình, vốn không xem trọng gia đình giống như các cậu đã nói. Nói thẳng là các cậu yêu tiền nhiều hơn!”.

Những người bạn thân người Úc này lại chân thành nói tiếp:

“Không kể là ở Úc hay ở Trung Quốc, người Trung Quốc các cậu xác thực là rất chăm chỉ, các cậu ở nước ngoài cũng đều tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với người bản địa. Nhưng tớ không cho rằng người Trung Quốc các cậu có tố chất làm ăn hơn, mà là các cậu tiết kiệm hơn chúng tớ.

Có thể tiết kiệm là nhờ hạ thấp tiêu chuẩn cuộc sống đi. Các cậu bình thường rất ít khi đi quán bar, thậm chí cuối tuần hoặc ngày nghỉ cũng đều không dám nghỉ ngơi. Quần áo đều là mua từ bên Trung Quốc đem sang đây, bởi vì mua ở bên đó rẻ hơn, tớ thậm chí còn nhìn thấy có du học sinh Trung Quốc còn mang theo rất nhiều chén đĩa sang đây”.

“Các cậu sẽ làm việc không quản ngày đêm, phó mặc con cái cho ông bà chăm sóc. Ngoài việc quan tâm thành tích học tập của con cái ra, thì bận rộn đến nỗi rất ít khi chơi cùng chúng. Ngày lễ Giáng Sinh, thậm chí còn không nghỉ ngơi. Vậy nên, những đứa trẻ người Hoa các cậu mặc dù thành tích học tập rất ưu tú, nhưng chúng luôn cảm thấy lạc lõng. Chúng cảm thấy so với các bạn, điều mà bố mẹ quan tâm hơn là khoản tiền thu nhập của gia đình, là điểm số học tập của chúng, chứ không phải là bản thân chúng có vui vẻ hạnh phúc hay không”.

“Đúng là tôi biết cậu muốn nói gì. Người Trung Quốc các cậu nói như vầy, là vì con cái nên ráng kiếm thêm chút tiền cho chúng sau này. Nhưng mỗi một đời đều nói bản thân kiếm tiền là vì đời sau, thế thì rốt cuộc đời nào sẽ thật sự dùng khoản tiền này đây?”.

“Cuộc đời là ngắn ngủi như thế, các cậu mượn cớ là vì tương lai của gia đình, mà đã hy sinh gia đình của hiện tại. Tôi thật không hiểu tổn thất này nên phải bù đắp như thế nào nữa! Sao các cậu còn có thể dùng quan niệm này mà lấy làm làm tự hào đây?”.

“Các cậu vì công việc, có thể chấp nhận vợ chồng phải sống ly thân trong khoảng thời gian rất dài. Nhưng trong con mắt chúng tớ, vợ chồng không ở bên nhau từ 3 tháng trở lên, trên cơ bản thì đã nên cân nhắc đến chuyện ly hôn rồi.

Vậy nên chúng tớ nếu được cử sang nước ngoài làm việc, thì nhất định phải là cả gia đình cùng đi, vợ của tôi, con cái của tôi đều phải cùng chuyển sang đây. Nếu như họ không đồng ý sang, tớ sẽ không thể tiếp nhận công việc này, bởi so với công việc thì dĩ nhiên gia đình quan trọng hơn rồi.

Tớ thậm chí còn nghe nói ở Trung Quốc có vợ chồng mấy chục năm đều chia nhau sống ở hai nơi, đến lúc nghỉ hưu mới có thể sống chung với nhau. Đây là sự thật quá đau lòng. Lẽ nào các cậu không thể vì gia đình mà từ bỏ công việc sao? Có thể tìm một công việc khác cũng được mà!”.

“Trong công ty Trung Quốc của tôi có một nhân viên rất xuất sắc, nhưng vợ con lại sống ở thành phố khác, mỗi một tháng thậm chí hai tháng mới có thể gặp nhau một lần. Tại sao một trong hai người lại không thể từ bỏ công việc chứ? Tôi biết có rất nhiều người làm việc ở thành phố, họ thậm chí chỉ một năm mới về thăm nhà một lần, đều nói là kiếm tiền vì gia đình, nhưng tiền như vậy, có nhiều hơn nữa, lại có ý nghĩa gì đâu?”.

Biết bao nhiêu phụ huynh, từ sớm đã hy sinh tuổi thơ của con cái, cuối tuần bôn ba trên đường đến các lớp phụ đạo, học thêm các loại. Đợi đến khi hết tiểu học, thì bản thân xem như đã được giải thoát rồi! Nhưng tiểu học xong rồi, phát hiện trung học cũng có lớp học thêm, hơn nữa còn nhiều hơn, tụi trẻ con chính là không có thời gian để vui chơi nữa!

Đợi khi con cái lên đại học thì coi như đã xong nhiệm vụ rồi … Nhưng con cái học xong đại học rồi, đến lúc tìm kiếm công việc vẫn phải bận tâm như vậy!

Đợi đến khi con cái có công việc ổn định rồi, thì tưởng như không còn gánh nặng gì nữa … Tuy nhiên, công việc tìm được rồi, lại bắt đầu bận tâm chuyện hôn sự, nhà cửa cho con cái! Sau khi con cái kết hôn rồi, thì tôi không cần phải bận tâm gì nữa! Nhưng kết hôn, có nhà có cửa rồi, thì chúng lại sinh cháu để bế rồi!

Bao nhiêu nỗi lo toan, dù có muốn quản cũng không quản được hết, cứ lặp đi lặp lại như vậy không dứt. Tầm mắt của chúng ta vẫn luôn nhìn về phía trước; vì tương lai, hôm nay tích lũy sức khỏe, tích lũy văn bằng, tích lũy tiền bạc. Kết quả bản thân lại than trời trách đất, tầm mắt của chúng ta không có lúc nào sống ở hiện tại. Nhiều người đến cuối đời đã nhận ra rằng, cả một đời không có lấy một ngày sống vì bản thân mình.

Kỳ thực, rất nhiều người chính là đang sống như vậy!

Vậy nên, có nhận xét rằng: Người biết hưởng thụ nhất là người Mỹ; người có tín ngưỡng nhất là người châu Âu; từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, đều chứa đầy cạnh tranh và áp lực là người Trung Quốc.

Biết đủ một chút, hạnh phúc sẽ đong đầy hơn một chút!

Trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm người ta luôn cảm thấy không thỏa mãn, công danh, sự nghiệp không được như ý. Vì thế, họ oán trách trời bất công, oán giận cha mẹ không cho họ một hoàn cảnh sống sung túc, thuận lợi. Đối với đời sau, họ lại oán trách con cái không được giỏi giang, thành đạt như mong muốn. Nhưng hết thảy những bất mãn đó đều có nguyên nhân từ việc con người không biết đủ mà ra.

Vì sao con người không biết đủ? Đây chính là do dục vọng, lòng tham muốn, là những mong ước hoang tưởng hay những đòi hỏi không thực tế sinh ra.

Dục vọng của con người là vô biên nên con người luôn không biết đủ. Kỳ thực, “không biết đủ” là một loại tâm lý tối nguyên thủy của con người, còn biết đủ là một loại lạc quan và cách ‘giải vây’ của tư duy lý tính.

“Biết đủ” và “không đủ” kỳ thực là một quá trình lượng hóa. Ở vào những niên đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, giai tầng khác nhau, độ tuổi khác nhau, kinh nghiệm cuộc sống khác nhau, thì “biết đủ” và “không đủ” luôn có sự chuyển hóa lẫn nhau. Ví như, khi còn trẻ tuổi sống nghèo khổ, có lẽ cảm giác không thấy đủ mới được xem là phù hợp. Bởi vì chỉ có như vậy cuộc sống của họ mới có sự thay đổi. Hay đối với một nhóm những người, sau một đêm trở lên giàu có, nếu cảm thấy đối với tri thức là chưa đủ thì có lẽ cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn.

Tác giả: Minh Ngọc