Dưa chuột là 'quả hormone', ăn nhiều gây độc và ung thư? Sự thật khiến nhiều người bất ngờ

( PHUNUTODAY ) - Gần đây, nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng dưa chuột, đậu phụ hay trứng gà là những thực phẩm "nguy hiểm" vì chứa hormone, có thể gây ngộ độc, rối loạn nội tiết và thậm chí dẫn đến ung thư. Vậy thực hư ra sao?

Dưa chuột có hoa là do tiêm hormone?

Trên các diễn đàn, nhiều người truyền tai nhau rằng: “Dưa chuột nếu còn hoa bám trên đầu là do bị tiêm hormone kích thích tăng trưởng.” Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định: Đây là thông tin sai lệch.

Thực tế, hoa dưa chuột sau khi thụ phấn không nhất thiết phải rụng ngay mà có thể rụng sau một thời gian. Bên cạnh đó, việc hoa không rụng có thể do nông dân sử dụng chất điều hòa sinh trưởng như chất chống rụng quả được bôi vào cuống dưa. Nếu dính vào hoa, hoa sẽ dính chặt vào đầu quả. Những chất này được sử dụng với liều lượng rất nhỏ và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Dưa chuột là loại rau củ phổ biến, chứa đến 96% là nước, ít calo và giàu vitamin C, E. Ngoài ra, còn có các loại đường không ảnh hưởng đến đường huyết và chất purin thấp, có lợi cho người cần kiểm soát đường huyết và hỗ trợ chức năng thận.

Tuy nhiên, phần đầu gần cuống dưa đôi khi có vị đắng, do chứa chất cucurbitacin – một hợp chất tự nhiên giúp cây chống côn trùng. Nếu ăn phải dưa có vị đắng rõ rệt, nên bỏ đi để tránh ngộ độc.

Lưu ý khi chọn dưa chuột: Chọn quả màu xanh đều, tươi, tránh những quả đã chuyển vàng vì đây là dưa già, mất nước, ăn không ngon và giá trị dinh dưỡng giảm.

Đậu phụ chứa estrogen, ăn nhiều gây ung thư?

Một tin đồn khác cho rằng: Đậu phụ chứa estrogen, nam giới ăn vào dễ "nữ tính", phụ nữ dễ bị ung thư vú. Đây là một hiểu lầm phổ biến.

Đậu nành và các sản phẩm từ đậu như đậu phụ chứa isoflavone, một dạng hợp chất có cấu trúc gần giống hormone nữ estrogen. Tuy nhiên, tác dụng của isoflavone trong cơ thể người là rất yếu, không đủ để gây rối loạn nội tiết.

Thậm chí, nhiều nghiên cứu cho thấy isoflavone có khả năng điều tiết hormone theo hướng hai chiều: khi hormone thấp thì bổ sung, khi cao thì điều hòa lại. Một số nghiên cứu còn ghi nhận việc ăn đậu nành thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở nữ giới.

Bên cạnh đó, đậu nành còn là nguồn cung cấp protein thực vật, chất béo tốt, vitamin, khoáng chất và kali rất cần thiết cho cơ thể.

Khuyến nghị: Người trưởng thành nên ăn khoảng 25g đậu nành/ngày. Không nên lạm dụng vì có thể gây áp lực cho thận.

Trứng gà hai lòng đỏ là “trứng hormone”?

Một số người cho rằng trứng hai lòng đỏ là do bị tiêm hormone, ăn vào dễ gây rối loạn hormone, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, đây là thông tin không có căn cứ khoa học.

Theo các chuyên gia, trứng hai lòng đỏ là hiện tượng sinh lý tự nhiên, xảy ra khi gà đẻ hai noãn hoàn cùng lúc. Không có bằng chứng nào cho thấy có việc tiêm hormone vào trứng.

Trứng gà vốn dĩ cũng chứa hormone nội sinh tự nhiên như progesterone trong lòng đỏ, không gây hại cho sức khỏe nếu ăn với lượng hợp lý.

Tuy nhiên, một số loại trứng nên hạn chế ăn, gồm:

Trứng lòng đào: Có thể chứa vi khuẩn salmonella, ảnh hưởng tiêu hóa. Ngoài ra, còn chứa chất ức chế enzym tiêu hóa, cản trở hấp thu dinh dưỡng.

Trứng ung (trứng có phôi chết): Ít giá trị dinh dưỡng, dễ nhiễm khuẩn như E. coli, salmonella và có thể chứa hormone ngoại sinh.

Trứng trà: Dù nguyên liệu lành mạnh, nhưng quá trình luộc lâu khiến chất tanin trong trà kết hợp với protein tạo ra hợp chất gây táo bón.

Kết luận: Không phải cứ “hormone” là độc hại

Không phải thực phẩm nào chứa hormone cũng độc. Một số loại hormone nội sinh là tự nhiên, không gây hại cho cơ thể. Ngược lại, nếu thực phẩm chứa hormone ngoại sinh do bị tiêm hay tẩm ướp trái phép thì có thể gây rối loạn nội tiết, đặc biệt khi ăn với số lượng lớn.

Người tiêu dùng nên bình tĩnh trước các thông tin trên mạng, tránh hoang mang và hãy lựa chọn thực phẩm từ nguồn rõ ràng, uy tín để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Tác giả: Minh Khuê