Hiện nay, tại nhiều tỉnh thành lớn, ca nhiễm F0 đang dần có xu hướng hạ nhiệt hơn. Tuy nhiên, con số vẫn không hề nhỏ. Có nhiều F0 đã âm tính nhưng vẫn chịu khó mua yến, đông trùng hạ thảo về tẩm bổ. Vậy điều này có thật sự cần không.
Chị N.T.O (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị gồm mẹ chồng, 2 vợ chồng và con gái 5 tháng tuổi bị mắc COVID đầu tháng 3 với những triệu chứng sốt hơn 40 độ, mệt mỏi, ho nhiều và nhức đầu. Sau hơn 10 ngày, cả gia đình test nhanh âm tính nhưng vẫn còn triệu chứng, đặc biệt là ho.
Tìm hiểu trên mạng, chị O thấy nhiều người thi nhau mua yến bồi bổ sức khỏe sau COVID, nên chị đã lên mạng đặt yếu sào để bồi bổ cho cả gia đình.
Chị O đặt 1 lạng (100gram) yến sào chưa qua tinh chế với giá 2,8 triệu. Gần một tháng qua, chị đã chưng để cả nhà sử dụng.
Không riêng gì chị O mà rất nhiều gia đình cũng đua nhau lên mạng đặt yến, đông trùng hạ thảo để về dùng dần. Rất nhiều ‘tiểu thương’ bán lẻ, bán sỉ thi nhau quảng cáo với nhiều lời có cánh, từ đó khiến nhiều người đổ xô đi mua online.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay lợi dụng nhu cầu người mua, nhiều nơi đã bán cả những sản phẩm giả mà khó có thể phát hiện được.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, những F0 có triệu chứng nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ phải nhập viện điều trị theo phân tầng bệnh viện, còn các F0 theo dõi, điều trị tại nhà thì điều trị triệu chứng vẫn là quan trọng nhất.
Đặc biệt, yến sào và đông trùng hạ thảo không phải ai cũng có thể dùng được. Đây là những sản phẩm khá đắt đỏ. Sản phẩm này chỉ dùng cho người lớn. Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai dưới 3 tháng không nên dùng. Khi sử dụng cũng cần có hướng dẫn của người có chuyên môn bởi sản phẩm có thể liên quan đến dị ứng và một số yếu tố khác.
"Tôi cho rằng những người có điều kiện thì có thể dùng theo hướng dẫn sẽ có tác dụng nhất định với sức khỏe. Khi dùng yến sào, vì lượng đạm trong yến khá nhiều, nên khi dùng nó mọi người phải chú ý bớt những thực phẩm có đạm khác đi để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Không nên ăn ít quá cũng không nên ăn nhiều quá.
Tuy nhiên, nếu tư vấn cho toàn dân hoặc các F0, tôi khuyên mọi người nếu có thể thì dùng thêm một số loại vitamin như: vitamin D, kẽm, vitamin C, chế phẩm probiotic (sữa chua, uống chế phẩm). Đây đều là những loại vitamin giá thành rẻ, được các nghiên cứu khẳng định khả năng nâng cao miễn dịch rõ ràng. Việc bổ sung các vitamin người Việt thường thiếu như trên sẽ tốt hơn là chỉ dùng đông trùng hạ thảo, yến. Tuy nhiên, ngay cả với các loại vitamin phổ biến khi dùng cũng phải có sự tư vấn của bác sĩ", PGS Lâm cho biết.
Cách phân biệt yến, đông trùng hạ thảo thật giả
Để có thể phân biệt được yến sào, đông trùng hạ thảo thật giả, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho rằng rất khó. Tuy nhiên, mọi người nên chọn những cửa hàng bán sản phẩm lâu năm, được Bộ Y tế cấp phép.
Còn theo GS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực tế hiện nay, để tìm được đông trùng hạ thảo thật là rất hiếm. Đông trùng hạ thảo không dễ tìm đến mức hỏi là có, muốn mua bao nhiêu cũng được.
Đông trùng hạ thảo dạng nước hiện nay được làm giả rất nhiều, có thể làm từ từ nước cam, tinh dầu, chất tạo màu… và uống vào chẳng có tác dụng gì.
Đông trùng hạ thảo giả không chỉ xuất hiện ở các sản phẩm tinh chế mà ngay cả con đông trùng thật cũng bị làm giả một cách tinh vi.
Theo GS Hiển, loại đông trùng bán trên thị trường hiện nay thực chất là nhộng trùng thảo, được nhân nuôi nấm trên con tằm. Bản chất của đông trùng hạ thảo thực sự khác hẳn với việc phun nấm lên con nhộng tằm. Về hình thức, vỏ của con sâu giữa đông trùng hạ thảo và con nhộng tằm là giống nhau, do vậy nhiều người lầm tưởng chúng là một.
GS Hiển khuyến cáo người dân nên cân nhắc khi bỏ số tiền lớn mua đông trùng hạ thảo. Tốt nhất là nên để số tiền đó để mua những thực phẩm khác, đa dạng hơn, biết rõ nguồn gốc, để tăng cường sức khỏe.
Đối với cách phân biệt yến sào, một chủ bán yến chia sẻ, để phân biệt yến sào thật giả, người mua nên chú ý đến tổ yến. Thông thường, tổ yến thật thường có sự chồng chéo gắn liền nhau trông như xơ mướp, vành tổ mỏng nhưng chân tổ lại dày để có thể bám chặt vào vách đá. Tổ yến thật cũng không có tinh bột.
"Khi ngâm nước, tổ yến giả sẽ nở và nhão ra rất nhanh do được cấu tạo từ tinh bột. Ngay cả những tổ yến được làm giả tinh vi cũng bị tan ra nhiều khi đun sôi khoảng năm phút. Trong khi yến thật được đun sôi cách thủy trong thời gian 10-20 phút sẽ không tan và nhão, mà chỉ thành những sợi yến nguyên vẹn. Ngoài ra, yến thật có mùi tanh đặc trưng, trong khi yến giả có mùi tanh của cá, mực khi ở trạng thái thô và khi chưng sôi yến giả sẽ không còn mùi tanh đặc trưng, thậm chí còn có mùi chất tẩy trắng", chủ cửa hàng yến chia sẻ.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Ngủ bật đèn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh lý hay không?
-
Uống nước gừng cho thêm 3 thứ này giúp tiêu mỡ, nhuận tràng, tăng miễn dịch: Phụ nữ muốn khỏe mạnh nên học theo
-
Kinh nguyệt không đều, ''tháng có tháng không'' xuất phát do 4 bệnh: BS dặn làm 4 việc để bảo vệ tử cung
-
F0 đã âm tính từ lâu nhưng vẫn còn triệu chứng: Có phải virus vẫn 'ẩn náu' sâu trong cơ thể?
-
Sau kì "rớt dâu", con gái tuyệt đối đừng làm 4 việc này nếu không tử cung tổn thương nghiêm trọng, lão hóa sớm