Ho dai dẳng, ho nhiều sau khi âm tính có đáng sợ?
Chị Đào Thị Tuyết Mai (34 tuổi tại Khu Đô Thị Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội) mắc Covid-19 từ ngày 1/3. Ban đầu chị Mai chỉ rát họng, mệt mỏi, ho nhiều nhưng không sốt. Sau khoảng 5 ngày, chị Mai test nhanh Covid-19 âm tính. Tuy nhiên, các triệu chứng ho của chị Mai vẫn còn.
Nghe theo lời mách, chị Mai dùng cây mùi gai (mùi tàu) sắc uống để điều trị ho. Nhưng các triệu chứng ho thi thoảng vẫn xuất hiện. Chị Mai lo sợ còn triệu chứng ho nghĩa là virus vẫn đang nằm sâu trong phổi.
Cũng tương tự chị Mai, anh Nguyễn Quốc Hoàn (27 tuổi, tại Thanh Xuân, Hà Nội) âm tính rất sớm, chỉ sau 3 ngày có triệu chứng. Tuy nhiên dù đã âm tính được một tuần nhưng anh vẫn còn triệu chứng ho. Anh Hoàn ho nhiều sau khi ăn xong. Anh Hoàn rất lo ngại vấn đề hậu Covid-19, sợ virus còn nằm trong phổi âm thầm gây tổn thương.
Các chuyên gia đánh giá như nào về tình trạng này?
BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chúng ta sử dụng test nhanh để xem bệnh nhân đang dương tính hay âm tính vào thời điểm test. Đối với bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện, khi hết các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được theo dõi thêm 3 ngày mới được ra viện.
Đối với các trường hợp mắc Covid-19 điều trị tại nhà, sau 3-5 ngày âm tính thì vẫn cần phải theo dõi sức khỏe thêm. Bộ Y tế đã có khuyến cáo các trường hợp mắc Covid-19 cần phải theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Trong đó, bệnh nhân cần phải đo SpO2, khi có những bất thường cần phải tới cơ sở y tế ngay để được hỗ trợ.
"Theo nghiên cứu trên thế giới khi bệnh nhân âm tính nồng độ virus còn rất thấp cho nên test nhanh sẽ âm tính", bác sĩ Hường nói.
Trường hợp bệnh nhân sau mắc Covid-19 có ho nhiều, bác sĩ Hương cho rằng ho không phải là do virus nằm sâu trong phổi. Nguyên nhân ho có thể là do viêm họng, trào ngược dịch dạ dày từ dưới kích thích lên…
Để xác định chắc chắn bệnh nhân có bị tổn thương ở phổi do Covid-19 hay không thì cần căn cứ vào kết quả chụp chiếu, xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác được.
Bệnh nhân ho nhiều nên uống nhiều nước, uống đủ 2 lít nước/ngày; súc miệng với nước muối sinh lý hoặc nước sạch. Người bệnh có thể dùng các biện pháp dân gian gừng, tỏi, đường phèn, mật ong để giảm ho... Nếu triệu chứng ho không giảm có thể uống thuốc ho theo đơn kê của bác sĩ.
Bác sĩ Hương cũng cho biết thêm, nếu tình trạng ho húng hắng vài tiếng thì không sao. Nhưng nếu ho làm bệnh nhân khó chịu, thức giấc giữa đêm hoặc khó thở thì bắt buộc bệnh nhân cần đi khám.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, nguyên nhân khiến bệnh nhân sau Covid-19 ho có thể do bản thân người bệnh có cơ địa dị ứng, người có bệnh lý trào ngược sẵn có, hoặc do sự kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp.
Vì vậy, để đánh giá virus tấn công xuống phổi hay chưa, bệnh nhân phải đến bệnh viện để thăm khám. Nếu chỉ ho ít, trong thời gian ngắn (vài ngày), bệnh nhân có thể uống thuốc ho để chữa triệu chứng hoặc đợi các cơn ho tự hết. Nếu ho kéo dài 10 ngày, ho ngày càng tăng, gây khó thở, người dân phải đến bệnh viện kiểm tra.
Tác giả: Thạch Thảo
-
4 loại thực phẩm cực hại gan thường “ẩn nấp” trong tủ lạnh của nhiều gia đình
-
Dù nam hay nữ có thói quen "thăm" nhà vệ sinh vào khung giờ này đều sống thọ, đường ruột hoạt động trơn tru
-
7 việc cực kỳ hại trong ngày "đèn đỏ" khiến tử cung tổn thương, sớm lão hóa: Người trẻ rất dễ mắc phải
-
4 món cháo giúp F0 cắt sốt, tăng đề kháng cho cơ thể, vừa ngon lại vừa bổ
-
2 “nên”, 2 “tránh” khi ăn uống giúp “cựu F0” bớt mệt mỏi, đuối sức, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục