Gia đình có 3 biểu hiện này thường hòa thuận ít sóng gió, quý nhân giúp đỡ, hưởng phúc muôn đời

( PHUNUTODAY ) - 3 điều đặc biệt cần chú ý khi chung sống với nhau, một gia đình xuất hiện những điều sau đây chắc chắn là nhà có phúc.

Cùng nhau đối mặt với sóng gió

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nhớ câu chuyện bó đũa, một chiếc đũa đơn lẻ đương nhiên sẽ dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng một bó đũa hợp lại thì không thể nào bẻ gãy. Một gia đình thực thụ có thể ở bên nhau cùng vượt qua bão tố, dù thử thách có khó đến mấy chỉ cần đoàn kết và thương yêu lẫn nhau cũng có thể vượt qua.

Một câu chuyện kinh điển khác được kể lại như sau: Có hai gia đình, mỗi nhà đều được phát cho những đôi đũa rất dài. Gia đình thứ nhất, ai nấy khi gắp thức ăn đều chỉ muốn đưa vào miệng của mình, vì đũa quá dài nên thức ăn chưa đến được miệng đã bị rơi xuống đất, sau cùng chịu đói. Gia đình thứ hai thì ngược lại, vì quan tâm lẫn nhau mà khi gắp thức ăn chỉ muốn đưa cho người khác, họ gắp cho nhau ăn dễ dàng và sau đó đã vượt qua được thử thách.

Cuộc sống khó tránh khỏi những lúc ngoài ý muốn, khó khăn giông bão có thể kéo đến bất cứ lúc nào. Gia đình chính là tổ ấm an toàn, nơi những người thân cùng nhau san sẻ, dắt tay nhau vượt qua bão tố. Vậy mới nói, "Nhà" là hậu phương vững chắc của mỗi người.

Không chấp nhặt chuyện nhỏ

Có người từng nói:

"Nhiều gia đình thất bại theo thời gian. Họ thường nhìn chằm chằm vào những sai lầm và đổ lỗi cho nhau. Không nhường nhịn và cố chấp đến cùng cực".

Trong cuộc sống, luôn có một số người bướng bỉnh thích phán xét tiêu cực về đối phương. Khi gặp phải điều gì đó, điều đầu tiên họ nghĩ không phải là giải quyết vấn đề, mà là lan tỏa sự nóng nảy đến những người thân yêu.

Càng tức giận, càng mất kiểm soát, bạn càng trở nên nóng nảy, tuôn ra những lời làm tổn thương người khác.

Thủ phạm lớn nhất trong các mối quan hệ gia đình là "bạn không nhường khi tôi bất lực", "bạn chỉ đổ lỗi không ngừng khi tôi phạm sai lầm".

Một học trò đã từng hỏi Khổng Tử: "Có đạo lý nào mà con người ta phải học cả đời không?".

Khổng Tử đáp: "Đó có lẽ là tha thứ".

Cuộc sống đòi hỏi sự kiên nhẫn, mà sự kiên nhẫn lại bắt nguồn từ lòng bao dung.

Tha thứ không phải là sự đồng tình, mà là sự khiêm nhường, đó là một cách tuyệt vời để duy trì sự hòa thuận trong gia đình.

Chỉ bằng cách ngồi lại lắng nghe và bao dung lẫn nhau, không chấp nhặt chuyện lông gà vỏ tỏi, hiểu những khó khăn của gia đình và biết ơn những nỗ lực của từng thành viên, chúng ta mới có thể chấp nhận sự không hoàn hảo của nhau và cùng xây dựng mái ấm hạnh phúc.

Không lật lại chuyện cũ

Một thử nghiệm yêu cầu hai người tham gia kể lại chuyện không vui gần nhất. Sau đó cho một người xem bộ phim tiêu cực, người còn lại xem một vở kịch giải trí. Cuối cùng yêu cầu họ kể về những điều chưa hài lòng. Và kết quả đã chứng minh, khi một người vui vẻ, những chuyện khó chịu đối với họ chỉ là chuyện nhỏ và dễ dàng giải quyết, còn khi một người đang trong trạng thái tiêu cực thì một chuyện nhỏ nhặt cũng khiến người ta phẫn nộ và ghi nhớ.

Những chuyện không vui trong quá khứ sẽ bị đánh thức khi ta trong trạng thái giận dữ. Cuộc đời là một con đường không ngừng tiến về phía trước, nếu cứ mãi nhìn chằm chằm vào những vết sẹo của quá khứ thì mỗi lần ngoảnh lại, bạn sẽ rắc một nhúm muối vào vết thương, khiến người này thêm buồn, người kia càng tức giận. Chỉ khi xóa bỏ "ngày hôm qua" chúng ta mới có thể tập trung vào hiện tại và nhìn về tương lai lâu dài của nhau.

"Nhà" là một từ hết sức thiêng liêng, cũng là nơi chứng kiến và đồng hành cùng ta đi qua những quãng đời. Một gia đình muốn thịnh vượng thì cần các thành viên nỗ lực xây dựng và làm việc. Còn một gia đình cầu hòa thuận bình an, chỉ cần các thành viên một lòng đồng tâm hiệp lực thì khó khăn đến mấy vẫn có thể cùng nhau vượt qua. Hy vọng chúng ta đều biết cách xây dựng một gia đình ấm áp và hạnh phúc, để nhà luôn luôn là nơi trở về.

Tác giả: Vũ Ngọc