Ngày nay, mặc dù người dân đã nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng nhiều phi vụ lừa đảo chuyển khoản qua ngân hàng vẫn tiếp diễn. Một điều đặc biệt đó là hacker thường yêu cầu chuyển số tiền 15 triệu đồng. Chuyên gia an ninh mạng đã có lý giải tại sao hacker lại yêu cầu con số này mà không phải là một số khác.
Vì sao bọn lừa đảo thường yêu cầu chuyển khoản 15 triệu đồng?
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), số lượng giao dịch và người dân bị lừa đảo cần hỗ trợ giữa các ngân hàng tăng hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt là 3 tháng vừa qua. Đáng chú ý, theo ghi nhận từ những người bị hại trong các cuộc lừa đảo, phía hacker thường yêu cầu chuyển khoản số tiền... 15 triệu đồng.
Theo chuyên gia an ninh mạng, đó chỉ là con số ngẫu nhiên mà đối tượng lừa đảo đưa ra. Đây cũng là số tiền nhỏ mà hacker có thể lừa được nhiều người. Thực tế, không ít thương vụ lừa đảo lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, các vụ lừa đảo liên quan đến con số chuyển khoản nhỏ sẽ phổ biến hơn bởi tâm lý đề phòng của người dân trong trường hợp này cũng ít hơn.
Một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay
Theo các chuyên gia phân tích, có rất nhiều hình thức lừa đảo hiện nay. Việc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng gia tăng dịp Tết do các hình thức lấy tiền ngày càng trở nên tinh vi.
Điển hình, hiện nay, hacker không cần mã OTP mà có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại, bật app ngân hàng và thực hiện chuyển tiền. Cụ thể, thông qua dịch vụ trợ năng (Accessibility Service), một thiết kế của Google trong Android nhằm giúp cho những người khiếm thị hoặc mất khả năng vận động có thể dùng được smartphone đã bị hacker lợi dụng. Hacker sử dụng Accessibility Service để lập trình mã độc đọc được nội dung và tương tác được trên các ứng dụng khác. Bằng cách này, hacker lừa để người dùng cấp quyền Accessibility cho ứng dụng giả mạo. Sau khi được cấp quyền, ứng dụng giả mạo có thể nằm vùng như một gián điệp, thu thập thông tin, thậm chí điều khiển các ứng dụng ngân hàng, nhập tài khoản, mật khẩu, sau đó là mã OTP để chuyển tiền ngân hàng.
Điều đáng nói việc lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng thực tế không khác so với hình thức giao dịch chuyển tiền khác. Đó là lý do hệ thống ngân hàng khó phân biệt đấy là lừa đảo hay giao dịch bình thường. Vì vậy, người dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm, đặc biệt là phần mềm trên Android. Tuyệt đối không cấp quyền Accessibility cho dù bất cứ lý do nào. Tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu quyền này.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giải danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản. Hoặc sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.
Ngoài ra, việc giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên cũng khá phổ biến. Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS.
Nhìn chung, bọn lừa đảo đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham ẩn sâu trong mỗi con người.
Tác giả: Vũ Thêm
-
3 kiểu lừa đảo tinh vi cuối năm người dân cảnh giác kẻo mất sạch tiền
-
Cảnh báo hình thức lừa đảo mới nhắm vào trẻ em, cha mẹ cần lưu tâm
-
Muốn biết số điện thoại lạ vừa gọi đến là ai: Làm theo cách này, rõ ngay tiếp thị hay lừa đảo
-
Danh sách 50 số điện thoại lừa đảo, tuyệt đối không nên nghe máy: Chặn ngay khi vừa nhận cuộc gọi
-
Từ nay: Người dân muốn chuyển khoản từ 10 triệu trở lên cần phải làm thêm điều này, ai cũng nên biết