Hải sản ngon miệng nhưng cực độc: Bác sĩ cảnh báo 4 sai lầm dễ khiến bạn nhập viện

( PHUNUTODAY ) - Hàu béo ngậy, cá hồi tan chảy trong miệng… hải sản từ lâu đã là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn khó cưỡng ấy lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nếu không bảo quản và chế biến đúng cách.

Dưới đây là những cảnh báo và khuyến nghị từ các chuyên gia y tế giúp người tiêu dùng tránh những rủi ro đáng tiếc từ món quà của biển cả.

Nhiều loại hải sản dễ gây ngộ độc

Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, một số loại hải sản tuy có vẻ ngoài tươi ngon nhưng lại chứa độc tố hoặc vi khuẩn nguy hiểm:

Động vật có vỏ (như hàu, vẹm xanh, sò điệp, nghêu…) có thể tích tụ độc tố khi ăn phải tảo độc trong môi trường nước bị ô nhiễm, đặc biệt trong thời điểm xuất hiện "thủy triều đỏ". Đáng lo ngại, những loại độc tố này không bị phân hủy khi nấu chín và không có dấu hiệu nhận biết qua màu sắc hay mùi vị.

Ăn sống hàu hoặc các loại hai mảnh vỏ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus viêm gan A, Norovirus hoặc vi khuẩn Vibrio vulnificus – nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết và bệnh gan nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Tôm cua đã chết và không được làm lạnh kịp thời dễ biến thành "ổ vi khuẩn", nhất là Vibrio parahaemolyticus, có khả năng sinh sôi nhanh ở nhiệt độ 35°C và gây ngộ độc chỉ sau vài giờ.

Một số loài cá như cá ngừ, cá thu, cá nục… nếu không bảo quản lạnh đúng cách, sẽ sinh ra histamine – chất có thể gây dị ứng, đỏ mặt, đau đầu, tim đập nhanh và thậm chí là sốc phản vệ, trong khi thuốc dị ứng thông thường không có tác dụng.

Dấu hiệu nhận biết khi bị ngộ độc hải sản

Nạn nhân có thể xuất hiện triệu chứng sau 4–24 giờ như: nôn ói dữ dội, tiêu chảy nước, đau quặn bụng. Nếu xuất hiện tình trạng tiêu chảy liên tục (trên 3 lần/giờ), không tiểu tiện, co giật, lú lẫn hoặc tụt huyết áp, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Ba nguyên tắc vàng để phòng tránh

Chọn mua hải sản tại nguồn uy tín

Nên mua tại siêu thị, chợ có kiểm định, đặc biệt chú ý sản phẩm có dấu kiểm dịch. Tránh mua vẹm xanh hoặc hải sản không rõ nguồn gốc trong thời điểm có cảnh báo "thủy triều đỏ".

Bảo quản đúng cách

Tôm cua sau khi chết phải cấp đông trong vòng 15 phút. Với hải sản kích thước lớn, nên chia nhỏ để tránh rã đông nhiều lần làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Chế biến kỹ lưỡng

Hấp hàu cần thực hiện sau khi nước sôi và duy trì thêm ít nhất 4 phút. Không nên sử dụng nước luộc hải sản hai mảnh vỏ, vì độc tố dễ hòa tan trong nước.

Tác giả: Minh Khuê