HOT: Đề xuất thưởng tiền cho người phát hiện tè bậy

( PHUNUTODAY ) - Theo nghị định 155 của Chính phủ, từ ngày 1/2/2017, hành vi đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt hành chính số tiền lên đến 3 triệu đồng.

Nghị định 155/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, tăng mức phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Việc áp dụng xử phạt bắt đầu từ tháng 2/2017.

Tăng mức phạt: Chưa đủ!

Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội xã hội học Việt Nam cho rằng, người dân tè bậy ra đường là một hình ảnh cực xấu, làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Ở một góc độ nào đó, việc xử phạt tè bậy tăng cao sẽ tăng biện pháp răn đe, khiến cho người khác sợ hơn, đặc biệt là những người ít tiền, lao động phổ thông…

 Hình ảnh người dân vô tư tè bậy trên đường phố Hà Nội

“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cốt lõi nhất vẫn là việc ai xử phạt, xử phạt có nghiêm khắc không. Xử phạt làm sao để người dân sợ và không dám vi phạm, không bị nhờn luật”, ông Tấn nói và cho hay, lâu nay, quy định xử phạt tè bậy đã có nhưng số người bị xử phạt hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, cần phải thay đổi ý thức của người dân, đặc biệt là các em nhỏ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cha mẹ phải gương mẫu để con trẻ noi theo, cán bộ công chức phải nghiêm chỉnh chấp hành để làm gương cho người dân. Cơ quan nhà nước có chương trình tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu và ý thức thực hiện các quy định pháp luật.

“Mức phạt tè bậy tăng cao cũng có thể là một giải pháp nhưng chưa đủ. Với mức phạt này, chỉ có một số ít người lao động sợ. Cái quan trọng nhất vẫn là lực lượng thực thi pháp luật phải minh bạch và cần có sự phối hợp giữa chính quyền và người dân”, ông Bình chia sẻ.

Thưởng cho người phát hiện

Theo ông Bình, để quy định đi vào cuộc sống thì cần phải "phủ sóng" nhà vệ sinh công cộng ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tại nơi công cộng đông người dân như bờ hồ Hoàn Kiếm nên lắp hệ thống camera giám sát, có chế độ thưởng cho người cung cấp thông tin.

“Ví dụ với mức phạt 3 triệu đồng với người tiểu bậy thì lực lượng chức năng sẽ trích cho người cung cấp thông tin từ 500.000 đồng hoặc 1 triệu đồng chẳng hạn. Như thế người dân sẽ tự giám sát nhau, đó cũng là một giải pháp. Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì việc người dân tè bậy sẽ giảm”, ông Bình chia sẻ.

Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, Chủ tịch Hội xã hội học Việt Nam cũng cho hay, song song với các giải pháp nêu trên, Hà Nội cần phải đẩy nhanh việc lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố. Phải quy hoạch thống nhất cho vị trí nhà vệ sinh và có biển chỉ dẫn rõ ràng ngay tại cửa vào tại các địa điểm vui chơi, khu công cộng, thương mại cho các nhà vệ sinh công cộng.

“Khi nhà vệ sinh được lắp đặt thì phải có một lực lượng chuyên trách đi xử phạt người tè bậy ở nơi công cộng, đặc biệt là những nơi đông người như khu bờ hồ Hoàn Kiếm, các trạm trung chuyển xe buýt… Thậm chí, với cá nhân vi phạm nên nêu tên công khai ở tổ dân phố, nơi làm việc. Có như vậy, thì nhiều người thay đổi ý thức, hình ảnh người dân tè bậy sẽ giảm”, Tấn nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch Hội xã hội học Việt Nam, đồng thời, ngoài hình xử phạt bằng tiền với mức phạt cao thì cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc người vi phạm phải lao động công ích có thời hạn để khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu.

 

'Tuyệt chiêu' chống tè bậy trên thế giới

Mỹ, Đức dùng loại sơn siêu chống thấm, có khả năng làm nước tiểu bắn ngược trở lại kẻ tè bậy. Đây loại sơn chống thấm chất lỏng công nghệ cao, do một công ty kiểm soát chất thải và tẩy sạch hóa chất sản xuất. Thứ vũ khí này được mô tả là "siêu kỵ nước", giúp giữ cho các bức tường và bề mặt vỉa hè không bám chất lỏng và thậm chí còn làm bắn tóe nước thải trở lại nguồn phát.

Trong khi đó tại Ấn Độ, loại "xe bồn chống tè bậy" đang được triển khai trên các tuyến phố ở Mumbai.

Ý tưởng trên có vẻ như rất sáng giá bởi các chiến dịch để ngăn nạn tè bậy tại Ấn Độ trong nhiều năm qua như: sơn lại tường, đặt biển báo, xây nhà vệ sinh công cộng, phạt tiền và thậm chí là đe dọa tống giam...chưa bao giờ thành công.

Những chiếc xe bồn sẽ đi tuần tra các con phố. Mỗi khi phát hiện có ai đó đang quay mặt vào tường hay gốc cây để "giải quyết nỗi buồn", xe sẽ dừng lại và phun vòi rồng về phía những người vi phạm.

Trong đoạn quảng cáo vui nhộn về dự án xe bồn chống tè bậy, những người đàn ông đi tiểu tiện không đúng nơi quy định đã vô cùng chật vật để vừa đứng vững, vừa kéo khóa quần lên khi bị phun nước vào người ở nơi công cộng. Trong khi đó, những người xung quanh tỏ ra rất thích thú và ôm bụng cười ngặt nghẽo khi chứng kiến cảnh tượng này.

Ở đảo quốc Singapore, nếu không muốn nộp phạt 150 đô la, bạn hãy nhớ giật nước khi đi tiểu ở nhà vệ sinh công cộng.

Tác giả: Vân Tiên