Biết nhận lỗi và có trách nhiệm với lỗi của mình gây ra là một đức tính quan trọng mà các bậc làm cha mẹ cần phải dạy cho con mình từ lúc còn bé. Nhưng dạy như thế nào cho hiệu quả mà đơn giản lại là một điều nan giải đối với bậc phụ huynh.
Mới đây, câu chuyện về một cháu bé học lớp 2 ở Hải Phòng khoanh tay xin lỗi khi đi xe đạp tông trúng taxi đã “đốn tim” nhiều người.
Người chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội là anh Nguyễn Hùng Sơn (26 tuổi), Anh Sơn cho biết khoảng 7 giờ 30 ngày 3/12, anh đang dừng xe taxi trên đường Đào Nhuận (phường Kênh Dương, TP.Hải Phòng) thì bất ngờ một cháu bé chạy xe đạp tới tông trúng.
Lúc này, anh Sơn đang ngồi trong xe, còn cháu bé cứ đứng đó mà không chịu đi. Thấy lạ, anh Sơn hạ kính xuống thì cháu bé đứng ngay ngắn khoanh tay nói: “Cháu xin lỗi chú”. Bất ngờ với hành động dễ thương của cháu bé, anh Sơn nói không sao rồi để bé về nhà.
“Tôi lái taxi nên đi đường chuyện va quẹt xảy ra như cơm bữa. Người thì phóng đi thật nhanh vì sợ mình bắt đền, người thì chửi, thậm chí có người còn đòi đánh khi tông phải xe mình. Cháu bé là người đầu tiên nói xin lỗi làm tôi rất bất ngờ”, anh Sơn chia sẻ.
Anh Sơn cũng nói thêm, bất ngờ hơn là qua facebook, cha mẹ của cháu bé đã hẹn anh đi uống cà phê và dẫn theo cháu bé để xin lỗi.
Chị Nguyễn Thu Hằng (33 tuổi, mẹ cháu bé) cho biết cháu bé trong bức ảnh được mọi người chia sẻ chính là con trai của chị, cháu tên Nguyễn Hữu Hoài Lâm, đang là học sinh lớp 2 trường tiểu học Dư Hàng Kênh (TP. Hải Phòng).
Chị Hằng cho biết, bình thường buổi sáng chị vẫn chở con đi ăn sáng nhưng hôm đó là bận quá nên nói con đạp xe ra quán ăn sáng trên đường Đào Nhuận để về kịp giờ đi học. Thấy con đi lâu nên chị chạy ra tìm thì gặp con đang vừa đi vừa chùi nước mắt.
“Giật mình tưởng con bị ngã hay làm sao nên tôi hỏi thì cháu nói con tông phải xe ô tô của chú kia, con không sao cả, con xin lỗi rồi chú cho con về nhà. Nhưng con vừa sợ vừa thấy có lỗi”, chị Hằng kể lại.
Chị Hằng cũng cho hay bình thường cháu Lâm vốn nhút nhát và chẳng bao giờ giấu mẹ điều gì. Chị cũng thường xuyên nói với con rằng khi nào sai cứ nhận lỗi, không việc gì phải giấu hết nên có gì cháu cũng nói với mẹ.
Trưa hôm qua, khi câu chuyện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, nhìn thấy chị vừa vui vừa xúc động vì con trai biết chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
“Tôi nghĩ là câu chuyện không có gì cả, những điều hay lẽ phải thì phụ huynh nào cũng dạy cho con. Sau khi kết nối được với anh tài xế, gia đình tôi cũng chủ động hẹn gặp để xin lỗi”, chị Hằng thông tin.
‘Đáng yêu quá!’
Sau khi anh Sơn đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, cháu Lâm đã thu hút được nhiều lời bình luận có cánh của cộng đồng mạng. Đa số các ý kiến bình luận đều khen cháu bé rất đáng yêu và gia đình đã giáo dục cháu rất tốt.
Tài khoản Tưởng Lê bình luận: “Cu cậu chắc được bố mẹ chỉ bảo cận thận lắm!”, nickname Khong Quai Non thì chia sẻ: “Thật an tâm cho thế hệ tương lai của Việt Nam”, tài khoản Anh Phương Hoàng cũng nêu ý kiến: “Con cái phản ánh cách giáo dục của bố mẹ, cậu bé ngoan quá!”.
Bí quyết dạy trẻ học cách nhận lỗi và nói lời "xin lỗi"
Tâm lý của trẻ là luôn sợ sệt và muốn giấu những lỗi mà mình gây ra. Vì vậy, bố mẹ phải thật khéo léo và kiên nhẫn để tập cho con dung cảm biết nhận lỗi của mình.
Điều đầu tiên, cần dạy trẻ biết cách phân biệt đúng sai
Bé cần được giáo dục về hành vi, về điều đúng sai trong cuộc sống hằng ngày, có như thế mới giúp bé hình thành được những phản xạ tự nhiên, từ đó có thái độ đúng đắn hơn trong việc nhận lỗi về mình.Cảm ơn khi được tặng quà là đúng, vô lễ với người lớn là sai… Đó có thể là những bài học đầu tiên để giúp trẻ biết phân biệt thế nào là đúng, thế nào là sai. Để làm được điều này, ngoài việc dạy cho trẻ, bố mẹ còn cần phải thường xuyên quan sát những hành động của trẻ hàng ngày để kịp thời chỉ cho trẻ biết mỗi khi trẻ làm sai.
Dạy trẻ biết cách nhận lỗi như thế nào?
Khi bé đã biết phân biệt được điều đúng và điều sai thì việc tiếp theo bạn cần làm chính là dạy bé biết cách nhận lỗi thế nào cho đúng.Đôi khi bé sẽ không biết phải nhận lỗi như thế nào. Bạn cần khuyến khích hay thậm chí dỗ ngọt để bé chịu nhận lỗi của mình. Nhưng cũng không nên quá gò bó hay ép buộc bé phải làm, vì nhận lỗi cần sự tự giác từ các bé. Khi cần thiết, bạn cũng có thể trò chuyện riêng với bé và hỗ trợ bé tìm ra những từ ngữ phù hợp trong hoàn cảnh đó mà không cần đến từ “xin lỗi” như: “Con rất buồn vì làm hư đồ chơi của em” hay “con không cố ý làm đổ cơm”…
Tiếp theo là sự chân thành trong lời xin lỗi
Trẻ cần phải hiểu rõ được ý nghĩa của lỗi xin lỗi mà mình nói ra chứ không phải chỉ là câu nói suông cửa miệng cho xong việc. Hãy cho bé biết cách nhìn thẳng vào người đối diện và nói lời xin lỗi chân thành từ trái tim mình. Điều này sẽ giúp bé đề cao việc xin lỗi và hạn chế mắc phải sai lầm.
Có sự động viên, khen ngợi xứng đáng khi trẻ biết nhận lỗiMột lời khen ngợi là rất cần thiết khi trẻ dám dũng cảm đứng ra nhận lỗi của bản thân mình. Bạn có thể dùng những câu như “Con rất dũng cảm, biết nhận lỗi như thế là đã lớn”... để khích lệ con mình.
Hãy đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ. Trong những trường hợp khác nhau, tất nhiên không phải lúc nào cũng ngợi khen nhưng khi trẻ có ý muốn “tự thú” cho dù chúng “bóng gió” thì bạn hãy tỏ ý cho trẻ biết rằng nói thật là điều nên làm hơn.
Bố mẹ cũng cần phải là một tấm gương sáng để trẻ noi theo
Trẻ con như tờ giấy trắng. Mọi điều bé nhìn thấy từ người lớn sẽ ăn sâu vào đầu óc non nớt của bé. Bạn hãy nhớ kỹ điều đó để có những cách hành xử đúng đắn hàng ngày. Ví dụ như nếu bố mẹ cứ đổ thừa nhau: “Tại anh…”, “Tại em…” thì chuyện tất yếu là bé cũng sẽ nhiễm ngay cách chối bỏ trách nhiệm như thế.
Bố mẹ luôn dạy con phải biết nhận lỗi và xin lỗi thì chính bố mẹ cũng phải là một người biết tự nhận lỗi và xin lỗi ngay trong đời sống hàng ngày với mọi người và đặc biệt là với chính con cái của mình.
Một số phụ huynh bảo thủ nói rằng: “Tôi đẻ ra nó mà lại đi xin lỗi nó ư?”. Đừng quên rằng, “Xin lỗi” cũng là một cách tôn trọng con và dạy con tôn trọng cha mẹ.