Indonesia: Hằng trăm người qua đời khi cách ly tại nhà, chờ chữa trị

( PHUNUTODAY ) - Trên khắp thế giới, tình hình dịch bệnh đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Ngay tại Đông Nam Á, Covid-19 như một cơn bão càn quét khiến nhiều nước lao đao.

Hàng trăm người qua đời khi đang chờ được nhập viện…

Indonesia là quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão Covid-19. Trong lúc số ca qua đời lên kỷ lục, các bệnh viện quá tải và thiếu oxy, nhiều người bệnh qua đời tại nhà do không được điều trị. Họ qua đời trong khi đang tự cách ly, chờ nhập viện và cũng không hề được ghi nhận vào dữ liệu chính thức.

Một viên chức chính phủ chia sẻ rằng: ‘Đồng nghiệp của tôi, một thanh niên 35 tuổi, đã ra đi tuần trước. Gia đình không thể tìm cho anh một bệnh viện trong thành phố. Anh mất ngay sau đó’.

Truyền thông địa phương công bố đoạn video về trải nghiệm nghiệt ngã của một nam bệnh nhân 52 tuổi ở thị trấn Pacitan, Đông Java. Theo đó, ông đã qua đời khi đang tự cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Kinh khủng hơn, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ phải chuyển thi thể của ông từ tầng 2 bằng cọc tre và ròng rọc do cầu thang lên nhà ông quá chật hẹp.

Vào cuối tuần, 2 người đàn ông 40 và 50 tuổi cũng qua đời trong 1 ngôi nhà ở Tasikmalaya, tỉnh Tây Java. Cả hai người đều tự cách ly sau khi 4 thành viên khác trong gia đình cùng qua đời vì nCoV.

Những câu chuyện tương tự như này ngập tràn mạng xã hội và các phương tiện truyền thông suốt 2 tuần qua. Số ca nhiễm và qua đời ở nước này gần như đạt kỷ lục mới sau mỗi ngày mới thức dậy. Nguyên nhân chủ yếu là do lễ hội Eid al-Fitr và biến thể Delta.

Ngày 7/7, chính phủ nước này công bố số ca nhiễm và qua đời vì nCoV đều ở mức kỷ lục chưa từng có. Đã có hơn 1.000 ca qua đời và hơn 34.000 ca nhiễm mới sau 1 ngày. Như vậy, ở Indonesia ngày sau ‘phá vỡ’ kỷ lục ngày trước.

Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến bệnh viện đảo Java, TP. Jakarta và các khu vực đông dân của nước này bị quá tải. Nhiều bệnh nhân từ chối điều trị. Người có triệu chứng nhẹ thường được yêu cầu tự cách ly. Tuy nhiên vì chính quyền địa phương giám sát lỏng lẻo khiến tình trạng của một số bệnh nhân xấu đi nhanh chóng.

Lực lượng chuyên trách địa phương LaporCovid-19 nói rằng: Ít nhất có 265 người qua đời khi tự cách ly tại nhà trong tháng qua. Họ qua đời khi đang tìm kiếm bệnh viện công, chờ đợi được vào phòng cấp cứu. Điều này cho thấy bức tranh trần trụi về sự sụp đổ của hệ thống y tế. Các con số không phản ánh tình hình thực tế vì không phải ai nhiễm nCoV cũng được ghi nhận và đưa tin. ‘Chúng tôi lo ngại rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng’, tổ chức này chia sẻ.

Khi các ca nhiễm liên tục tăng lên, cơ sở y tế phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng oxy y tế. Điều đó khiến 30 bệnh nhân tại một tỉnh qua đời trong đêm. Khoa hồi sức tích cực kín chỗ, bệnh nhân phải tạm vào khoa cấp cứu. Nhiều bệnh viện phải dựng lều cấp cứu trong bãi gửi xe.

Tại Bandung, một bệnh viện thông báo sẽ không tiếp nhận thêm bệnh nhân đến hết 7/7 do không có nguồn cung oxy. Rất nhiều nơi, người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng bán bình oxy với giá cao ngất ngường. Nhiều cơ sở tạm đóng cửa vì không đáp ứng đủ nhu cầu do nhu cầu của người dân tăng gấp 3, 4 lần. Tại một số nút giao thông, cảnh sát đặt trạm kiểm tra, chỉ cho những người làm việc trong nhóm ngành cần thiết mới được lưu thông.

Indonesia đang đến gần bờ vực thảm họa, số trẻ em nhiễm bệnh tăng lên nhanh

Tới nay, mỗi ngày số ca tử vong tăng lên gần gấp mức trung bình đầu tháng 6. Số ca nhiễm cũng ngày sau xô đổ kỷ lục ngày trước. Giới chức chạy đua để bổ sung thêm giường bệnh, nhân viên y tế phải làm việc hết công suất trong tình trạng thiếu máy thở và phòng cách ly. Bệnh nhân phải di chuyển hàng giờ để tìm nơi điều trị.

Jan Gelfand – người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm (IFRC) cho biết: Mỗi ngày, biến thể Delta đưa Indonesia đến gần hơn với bờ vực thảm họa. Tổng thống Joko Widodo cũng nhận định rằng: Những ngày gần đây, đại dịch diễn biến phức tạp và nhanh chóng do có biến thể mới. Tình hình này đòi hỏi chính phủ Indo phải có những bước đi vững chắc hơn.

Hệ thống y tế mong manh của nước này đang phải gồng mình đối phó với thảm kịch. WHO cho biết, Indo có số bác sĩ bình quân đầu người bằng 1 nửa so với Ấn Độ và Thái Lan.

Trong tình hình đó, TS. Aman Pulungan (Hiệp hội Nhi khoa Indo) tiếp tục lên tiếng chỉ trích quan niệm trẻ em không dễ mắc bệnh của lãnh đạo nước này. Bởi, số ca nhiễm hàng tuần ghi nhận ở người dưới 18 đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 1 tháng. Tính từ hôm 28/6 tới 4/7 đã có 11.000 trẻ em nhiễm.

‘Chúng tôi đang trong tình huống rất tồi tệ, có thể gọi là sóng thần. Hiện có quá nhiều ca nhiễm. Mùa lễ hội mọi người đi du lịch và không thực hiện quy định phòng dịch an toàn. Họ cho bọn trẻ đi khắp nơi nhưng không cho chúng dùng khẩu trang’, ông nói. Đồng thời, trẻ em nước này cũng rất ít được làm xét nghiệm PCR.

Ông cũng ước tính rằng, kể từ đầu dịch có khoảng 12% người nhiễm bệnh là trẻ em. ‘Chúng ta quên mất rằng trẻ em cũng có thể nhiễm bệnh và qua đời’, ông nhấn mạnh. Một nửa số ca tử vong ở nhóm này là trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ này chưa có dấu hiệu giảm nên cần phải tăng tốc tiêm vắc xin. Thế nhưng tới nay mới có khoảng 5% dân số của nước này được tiêm vắc xin.

Tác giả: Thạch Thảo