"Kẹo mút cần sa" - Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm là có ngay kết quả. Từ các bài đăng trên mạng xã hội đến các ứng dụng bán hàng trực tuyến. Đa dạng về cả chủng loại lẫn giá cả. Chưa đầy 30 phút, sản phẩm đặt mua đã đến tận tay. Thậm chí, không giới hạn số lượng, cứ đặt trước là có.
Bộ Công an vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm liên quan đến thông tin “kẹo mút cần sa” bán trên mạng. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Công an đã giao Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy tiến hành thu thập mẫu “kẹo chứa cần sa” rao bán trên mạng.
Qua tiến hành xác minh và thu thập mẫu “kẹo chứa tinh chất cần sa” được rao bán trên mạng (thành phần ghi chứa Cannabis essensal oil), Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã trưng cầu giám định những mẫu kẹo này tại Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an.
Ngày 26/5, kết quả trưng cầu giám định cho thấy trong thành phần các loại kẹo trên không tìm thấy chất ma túy. Trước đó, khoảng tháng 3/2017, Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện, thu giữ loại kẹo được quảng cáo là có chứa chất cần sa, kết quả giám định cũng xác định trong loại kẹo này không có chứa thành phần chất ma túy.
Như vậy, thông tin phản ánh kẹo mút chứa chất ma túy là không chính xác. Qua nghiên cứu, tìm hiểu được biết, một số loại bánh, kẹo có xuất xứ từ nước ngoài được đưa vào Việt Nam dưới dạng “hàng xách tay”, thành phần các loại bánh kẹo này có chứa tinh dầu cần sa (Cannabis essensal oil), bột hạt cần sa và được sản xuất, mua bán, sử dụng ở nước ngoài.
Tuy nhiên, do hàm lượng chất ma túy (THC) có trong tinh dầu, hạt cần sa rất thấp (hầu như không có), nên khi giám định không phát hiện được chất ma túy. Mặc dù các sản phẩm "kẹo mút cần sa" không hề chứa chất ma túy. Tuy nhiên, bao bì sản phẩm này lại in rất nhiều lá cần sa. Vậy việc kinh doanh các sản phẩm này liệu vi phạm pháp luật hay không?
Theo luật sư, dù sản phẩm kẹo không chứa chất cấm nhưng trên bao bì vẫn có hình ảnh của lá cần sa, in với mục đích quảng cáo bán sản phẩm vẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước tình hình trên, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất ma túy, chất hướng thần qua mạng Internet.
Các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là dược phẩm, thực phẩm (trong đó có các loại bánh kẹo, nước ngọt) nhất là đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam dưới dạng hàng xách tay có chứa chất ma túy để ngăn chặn, phòng ngừa.
Đề xuất Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa có thành phần chất ma túy.
Tác giả: Tran Thi Lan Huong