"Khôn ba năm, dại một giờ": Gái xinh hút liên tiếp 30 quả bóng cười bị sốt co giật, mất giọng

( PHUNUTODAY ) - Thông tin cô gái trẻ được cho là hút liên tục 30 quả bóng cười dẫn tới bị sốt co giật, giọng nói ú ớ khiến cư dân mạng xôn xao.

Việc lạm dụng khí cười N2O để giải trí có thể dẫn tới hiện tượng hòa tan chất khí này trong máu và làm giảm lượng oxy tới não. Việc hút bóng cười liên tiếp trong tình trạng não bị thiếu oxy có thể dẫn đến ngạt thở hoặc mất ý thức. Sau tổn thương não là những tổn thương cơ quan khác do hậu quả của tình trạng thiếu oxy.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Facebook.

Với nhiều bạn trẻ hiện nay, việc chạy theo những trào lưu giải trí sang chảnh là một trong nhiều cách thể hiện đẳng cấp của mình. Việc hút bóng cười được xem thú vui khá phổ biến và thể hiện được sự ăn chơi, sành đời của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, một khi quá lạm dụng thì tác hại của việc hút bóng là không thể lường trước, thậm chí, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng.

Mới đây, trên trang cá nhân của tài khoản N.T.H chia sẻ sự việc cô bị sốt co giật, mất giọng nói do hút liên tiếp gần 30 quả bóng cười khiến cộng đồng mạng xôn xao. Được biết, tài khoản trên có tên là Nguyễn Lương Ngọc Hằng (sinh năm 1996, sống tại TP.HCM).

 Cô gái chia sẻ câu chuyện hút quá nhiều bóng cười của mình lên mạng. Ảnh nguồn: Facebook.

''Về nhà có hiện tượng sốt co giật, ù tai đau họng, giờ không nói được, ú ớ luôn. Bác sĩ nói do khí gây mê trong bóng làm tê liệt não, gây ra hiện tượng như trên. May mà bác sĩ tới truyền kịp thời không là nguy hiểm tới tính mạng, đột quỵ rất dễ xảy ra nếu như não bị tổn thương

2 ngày sốt co giật, miệng tê cứng không ngậm miệng lại được, họng thì sưng không nuốt được nước bọt. Ai hỏi gì cũng không nói đc tròn vành chữ. Đúng là khôn 3 năm dại 1 giờ. Giờ mình thật sự sợ cái môn bóng cười rồi'', cô gái trẻ đã chia sẻ trên trang cá nhân.

PV tờ Thời Đại liên hệ với Hằng, cô cho biết sự việc trên xảy ra vào ngày 2/5, khi ngồi chơi cùng bạn bè, trong lúc nói chuyện cô đã hút khoảng 30 quả bóng cười đủ các màu sắc. Ngay sau đó thì những biến chứng bắt đầu xuất hiện khiến cô mất hết nhận thức và toàn thân co giật. Không chỉ thế, Hằng còn bị cấm khẩu, không thể nuốt được nước bọt vào họng, nước bọt cứ thế tuôn ra ngoài, ướt đẫm gối.

Rất may có bác sĩ đến nhà thăm khám và truyền nước kịp thời. Sau quá trình điều trị tại nhà, hiện tại Hằng đã bình phục, sức khỏe đã ổn định hơn, tuy đầu còn đau và sốt nhẹ.

Theo Hằng chia sẻ, đây không phải là lần đầu cô hút bóng cười nhưng rất có thể do sử dụng với số lượng lớn và liên tục đã dẫn đến tình trạng trên. Cô nói "Sau sự cố vừa rồi, tôi có cái nhìn khác về bóng cười, thời gian qua mình đã quá lạm dụng nó gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bản thân". 

Đồng thời, Hằng cũng khuyên các bạn trẻ không nên sa đà, lạm dụng bóng cười, không nên xem nó là thú vui tiêu khiển những lúc rảnh rỗi bởi nó có thể để lại nhiều hệ lụy đến hệ thần kinh và sức khỏe sau này. 

Bài đăng này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo của cư dân mạng. Có người sợ hãi, có người thì lên án thú chơi sang chảnh này.

Một tài khoản chia sẻ:"Tại sao ng ta lại cứ đâm đầu vào mấy thứ này nhỉ?"

"Báo chí nói đầy ra không nghe, cứ phải bị rồi mắt mới sáng ra được".

Tương tự tại Hà Nội, tối 17/10/2016, tại quán bar trên phố Lương Ngọc Quyến (Hà Nội), một cô gái xinh đẹp sinh năm 1994 có thể sử dụng bóng cười nên ngay sau đó có biểu hiện choáng váng, buồn nôn, tay chân co giật. Chỉ sau vài tiếng tay chân cô gái đã bị mất cảm giác. Một bác sĩ tại bệnh viện trên địa bàn Hà Nội xác nhận cô gái này bị ngộ độc khí N2O, kết hợp trước đó hút shisha, uống rượu, khiến các dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Bệnh nhân khi cấp cứu bị co giật, mất ý thức, tay chân không còn cảm giác. Nguyên nhân chính là số lượng khí N2O đưa vào cơ thể liên tục trong thời gian ngắn, thần kinh bị ức chế, áp suất máu lên cao dẫn tới đột quỵ dạng nhẹ.

Bác sĩ này cũng thông tin thêm tình hình của 9X đã ổn định nhưng các chi vẫn chưa hoạt động được. Nếu kết hợp điều trị thuốc và hồi sức, khoảng hai tuần, cô mới có thể hồi phục, song chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng sau này.

Tác giả: Hồ Thị Huyền Trang