Liên tiếp nhiều ca trẻ hôn mê sâu, chỉ nằm chờ chết và sống thực vật do viêm não Nhật Bản

( PHUNUTODAY ) - Trong những ngày qua, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương, Hà Nội) đã tiếp nhận hàng loạt ca viêm não. Nhiều trẻ đã tử vong, số còn lại gần như bị di chứng nặng nề.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội) đã tiếp nhận 176 ca viêm não trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong tháng Sáu, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.

Tại TP.HCM, số lượng bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản cũng tăng đáng kể. Tính đến hôm nay (26/6), tại Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh có 6 bé đang phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản. Đây đều là những ca rất nặng, trong đó có 2 ca đã kéo dài gần 1 năm qua.

Phần lớn các trẻ trên đều rất nặng, hôn mê sâu, phải thở mở, khả năng tử vong chiếm khoảng 10%; số còn lại nhiều khả năng để lại di chứng nặng nề, nhẹ nhất là chậm phát triển trí tuệ đến động kinh, sống thực vật. Rất khó có bệnh nhi nào không để lại di chứng.

 Một bé trai mắc viêm não đã hơn 1 năm nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê sâu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 Tp.HCM.

Theo các bác sĩ, hàng năm vào khoảng tháng 5, tháng 6 đến đầu tháng 10 là mùa mưa, cũng là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh phát sinh nhiều ở khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bệnh lây qua vật trung gian là một loại muỗi dân gian hay gọi là "muỗi ruộng".

Muỗi đốt heo, chim rồi mang mầm bệnh truyền sang người, do đó ở vùng nông thôn vừa làm ruộng vừa có nuôi heo là nơi bệnh dễ gặp nhất.

Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi.

Viêm não Nhật Bản được coi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (25 - 35%). Giai đoạn đầu mắc bệnh lại rất khó phát hiện thế nên thường gây khó khăn cho các bác sĩ khi chẩn đoán. Những di chứng từ bệnh này sẽ khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tác giả: Nguyễn Thị Hương