Lộ trình tăng lương cơ bản đến năm 2025
Theo tinh thần của Nghị quyết về cải cách tiền lương từ năm 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
* Đối với khu vực công
- Từ năm 2021: Áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
- Đến năm 2025: tiền lương thấp nhất (còn gọi là lương cơ bản) của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Đến năm 2030: tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
- Từ năm 2021: Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động và Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Đến năm 2025 sẽ thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và vào năm 2030 sẽ tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy theo Nghị quyết 27, đến năm 2025:
- Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2025 sẽ cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, kế hoạch cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27 đáng ra sẽ thực hiện từ năm 2021 đã phải hoãn lại.
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thì việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW sẽ chưa được thực hiện trong năm 2023 này.
Có thể sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tiền lương trong tháng 10/2023?
Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển trong kinh tế-xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tính từ thời điểm mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng thì đã là 4 năm mới được tăng lương.
Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức, kể cả cấp xã.
Thực tế trải qua 4 lần cải cách tiền lương nhưng mức lương cán bộ, công chức tại thời điểm hiện nay khá thấp.
Đánh giá cao việc Chính phủ nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức đại biểu đồng thời cũng đề nghị cần xem xét, cân đối nhằm sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực, giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.
Theo đại biểu, tháng 10 tới đây nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chế độ tiền lương mới sau cải cách sẽ thay đổi như thế nào?
Trong báo cáo “kết quả thực hiện và lộ trình triển khai cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” để trình cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng phương án triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27. Cụ thể:
Thứ nhất là tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp;
Thứ hai là mở rộng quan hệ tiền lương;
Thứ ba là sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp;
Và thứ tư là bổ sung quỹ tiền thưởng; đồng thời, đề xuất phương án điều chỉnh các năm tiếp theo (tiếp tục điều chỉnh mức lương thấp nhất để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mức lương thấp nhất cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27);
Đồng thời dự toán nguồn kinh phí, kế hoạch nhiệm vụ đối với các Bộ, cơ quan liên quan.
Nguồn nào để tăng lương?
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển trong kinh tế-xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội mới đây, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội) nhấn mạnh, xét về căn cứ chính trị thì Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã 3 năm liên tiếp lỡ hẹn; Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế.
“Đó là chủ trương đúng đắn, nhưng sau gần 2 năm thực hiện, hơn 14.000 tỷ đồng vốn Chương trình phục hồi kinh tế chưa thể phân bổ, hơn 429.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn chưa được giao. Tức là khi "thắt lưng buộc bụng" cho đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực chưa phát huy hiệu quả - đây là điều đáng tiếc”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích.
Tới đây, nếu cải cách tiền lương, mức tăng là bao nhiêu, theo đại biểu, còn chờ Quốc hội quyết định, nhưng rất cần thay đổi căn bản thực chất, chứ không chỉ về hình thức.
"Nhiều diễn đàn đề xuất tăng 21%, tức người đang có lương 10 triệu đồng thì tăng thêm 2,1 triệu đồng. Trong khi đó Nghị quyết 27 nêu, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế", đại biểu nói.
Đại biểu lưu ý, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt, đặc biệt, các quốc gia đang đối mặt già hóa dân số, thu hút nhập cư là chìa khóa tăng trưởng kinh tế, nếu không có chính sách hợp lý thì nước ta hoàn toàn thua ngay trên sân nhà trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ những quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị, cần thực hiện nghiêm quy định của Nghị quyết 27, theo đó, hằng năm dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách Trung ương để dành cho tăng lương.
"Cần phân bổ đúng trật tự ưu tiên khi dùng nguồn tăng thu. Tức là, ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét các dự án đầu tư. Năm 2022 tăng thu lớn, ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 208.000 tỷ đồng, số chuyển nguồn cải cách tiền lương 269.000 tỷ đồng, trong số này cần dành nguồn lực tương xứng cho cải cách tiền lương", đại biểu đề nghị.
TS Phạm Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cũng nhấn mạnh quan điểm, kinh tế - xã hội chúng ta có phát triển đến đâu thì cuối cùng cũng là nhằm phục vụ con người, do đó, chúng ta phải xác định được nguồn lực để tăng lương cho cán bộ, công chức chính là nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Gợi mở một số cách tạo nguồn lực, TS Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta đã sử dụng nhiều vốn ODA để đầu tư, phát triển hạ tầng và bây giờ cần tính đến phương án dùng nguồn vốn này để đầu tư cho nguồn nhân lực bằng việc tăng lương cho công chức, viên chức.
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Bắt đầu từ tháng 9/2023: Áp dụng 3 chính sách mới về lương hưu, trợ cấp
-
Ngành học có tỉ lệ việc làm trên 90%, mức lương lên tới 35 triệu đồng/tháng
-
Mấy giờ thì bắt buộc phải bật đèn xe: Ai cũng cần biết để không bị phạt
-
Ký hiệu đặc biệt trên thẻ BHYT, đi khám chữa bệnh được hưởng mức tiền thanh toán cao nhất
-
Có 1 ngành học điểm đầu vào không cao nhiều người bỏ qua: Nhưng sinh viên ra trường lương cả trăm triệu mỗi tháng