Nếu bạn đang tìm kiếm một loại cây dây leo để trang trí hàng rào thành bức tường hoa, tạo vòm cổng hoặc tận dụng để lấy bóng mát, cây huỳnh anh là một lựa chọn đáng cân nhắc. Loài hoa này còn được biết đến với các tên gọi như hoa hoàng anh, dây huỳnh hay dây công chúa, và có tên khoa học là Allamanda cathartica.
Cây huỳnh anh gồm hai loại chính là huỳnh anh lá lớn và huỳnh anh lá nhỏ, hay còn được gọi là huỳnh anh leo và huỳnh anh đứng. Cả hai loại cây này đều thuộc họ trúc đào và có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới rậm rạp của Brazil.
Đây là loài cây thân leo, với cành dài và mềm mại. Lá của cây mọc đối xứng, có màu xanh sáng bóng, mềm và mỏng. Hoa của huỳnh anh thường có màu vàng hoặc hồng, nhưng phổ biến nhất vẫn là màu vàng. Hoa nở quanh năm, thường nở thành từng chùm, mỗi đợt có thể nở hàng trăm bông cùng lúc, tạo nên một thảm hoa rực rỡ và bắt mắt.
Trong phong thủy, hoa huỳnh anh được coi là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, thể hiện sự chân thành và hạnh phúc.
Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ trong việc trang trí, hoa huỳnh anh còn có công dụng như một loại dược liệu. Khi phơi khô, hoa huỳnh anh có thể được sử dụng để điều trị các bệnh như đau đầu, hạ sốt, giảm đau và an thần.
Hoa huỳnh anh thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Để đạt hiệu quả cao, hãy chọn những cành khỏe mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh và cắt chúng thành các đoạn dài khoảng 15-20cm. Trước khi trồng, nên nhúng cành giâm vào dung dịch kích rễ để tăng tỷ lệ thành công.
Sau đó, cắm cành vào đất và tưới nước đều đặn. Chỉ sau khoảng 2 tuần, cành giâm sẽ bắt đầu bén rễ. Khi cây đã phát triển ổn định, có thể chuyển cây ra đất để trồng. Trong quá trình chăm sóc, cần chú ý đến các yếu tố sau:
- Đất trồng: Hoa huỳnh anh phát triển tốt nhất trong loại đất thoáng khí, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt. Nếu trồng trong chậu, nên trộn đất với xơ dừa, trấu hun, đá pumice hoặc than tổ ong đã qua xử lý, và bổ sung thêm phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục.
- Ánh sáng: Hoa huỳnh anh ưa thích ánh nắng, vì vậy nên trồng cây ở những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời. Điều này sẽ giúp cây ra hoa nhiều và đẹp hơn.
- Tưới nước: Là loại cây thích nước, hoa huỳnh anh cần được tưới thường xuyên để đảm bảo đủ độ ẩm. Có thể sử dụng phương pháp phun sương để làm tươi lá và hoa.
- Bón phân: Với khả năng phát triển nhanh và ra hoa quanh năm, cây cần được bón phân định kỳ để cung cấp đủ dinh dưỡng. Sử dụng phân hữu cơ là lựa chọn tốt, đặc biệt là khi cây bắt đầu ra nụ và sau mỗi lần cắt tỉa.
- Cắt tỉa: Sau mỗi đợt hoa, cần cắt tỉa các cành cũ, già cũng như loại bỏ lá vàng. Việc này giúp cây phát triển các nhánh mới, chuẩn bị cho mùa hoa tiếp theo.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Loại cây dại ven đường nay ‘gây sốt’ vì hoa nở quanh năm, dễ trồng đến bất ngờ
-
Hoa nhài ‘quý tộc’ trăm cánh siêu hiếm: Bông to đẹp, mùi thơm nồng nàn gấp 10 lần, đốn tim giới sành hoa
-
Những đại kỵ phải nhớ khi trồng cây lưỡi hổ kẻo phạm phong thủy
-
Mang ‘phúc khí’ vào nhà với cây cảnh hoa nở quanh năm, thơm nhẹ, giúp thư giãn
-
Bí quyết ‘nhân hoa’ mùa hè: 8 loại hoa giâm cành dễ sống, nở rực rỡ cho khu vườn thêm bừng sắc