Chanh tí hon là loại chanh gì?
Chanh rừng (hay còn gọi là chanh tí hon) là sản vật đặc trưng của vùng núi Mẫu Sơn, nơi có độ cao từ 800 - 1541m so với mực nước biển và nhiệt độ trung bình từ 15 đến 22 độ C. Điều kiện này rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chanh. Chanh rừng là cây lâu năm, sinh trưởng chậm, lá nhỏ và có gai. Từ lâu, người dân tộc Dao ở khu vực núi Mẫu Sơn đã sử dụng loại quả này như một gia vị để tăng hương vị cho món ăn.
Hoa chanh rừng nhỏ, màu trắng, nở ở kẽ lá trên các cành cây mọc từ gốc đến ngọn. Khác với các loại chanh khác, quả chanh rừng Mẫu Sơn khá nhỏ, kích thước tương tự quả quất hoặc to hơn chút, mỗi quả có từ 3-5 hạt.
Khi chanh chín, vỏ có màu vàng. Nếu ăn cả vỏ sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi và thơm. Còn nếu bóc vỏ, người dùng sẽ cảm nhận vị hơi chua. Đối với chanh rừng Mẫu Sơn, quả còn xanh vỏ sẽ có công dụng tốt hơn những quả đã to và chín vàng. Hiện nay, loại chanh này bắt đầu vào đầu vụ thu hoạch, giá bán cao hơn nhưng vẫn rất được ưa chuộng.
Vừa đóng xong một thùng chanh rừng Mẫu Sơn gửi cho khách, chị Tin (ở Lạng Sơn) cho biết hôm nay chỉ gom được hơn chục cân chanh. Do mới vào đầu mùa, số lượng chanh thu được còn ít nên chị không đủ để trả đơn cho khách.
Đã hơn 4 năm bán chanh rừng Mẫu Sơn, chị cho biết cứ vào mùa, khách liên hệ đặt mua rất nhiều. Thời điểm đầu mùa, số lượng chanh ít và giá bán cao. Tuy nhiên, khách vẫn đặt mua khá nhiều. “Vì nhiều người quan niệm chanh đầu mùa có lượng tinh dầu nhiều, để ngâm mật ong trị ho sẽ tốt hơn,” chị chia sẻ.
Vào giữa mùa, lượng chanh thu được rất nhiều. Những năm chanh được mùa, mỗi ngày chị thu gom của dân đến vài tạ quả và đều bán hết. Chỉ tính riêng vụ năm ngoái, chị đã bán được cả tấn chanh rừng.
Năm nay, chị cho biết chanh rừng Mẫu Sơn mất mùa, lượng chanh không nhiều như năm ngoái. Giá cả chưa biết có cao hơn mọi năm hay không. Hiện tại, chị đang bán cho khách sỉ với giá dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg. Theo chị, người dân đã đem giống chanh rừng về trồng gần nhà để tiện chăm sóc và thu hái. Trên thị trường, những quả chanh hái từ rừng vẫn có nhưng số lượng rất ít.
Chanh tí hon có gì đặc biệt?
Chị chia sẻ rằng chất lượng của chanh hái từ cây mọc trong rừng và cây trồng là ngang nhau. Điểm khác biệt giữa hai loại này là quả chanh hái từ cây mọc trong rừng thường nhỏ hơn và không đều, còn quả từ cây trồng có kích thước to và đều, đẹp hơn.
Anh Nguyễn Thanh Sơn (trú tại Long Biên, Hà Nội) đã đem giống chanh rừng Mẫu Sơn về trồng tại vườn nhà. Anh cho biết giống chanh này rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, nhưng phát triển rất chậm, không như các loại chanh khác.
Hiện tại, anh trồng khoảng chục cây chanh rừng Mẫu Sơn tại vườn nhà. Sau 4 năm, cây bắt đầu cho quả nhưng tán rất nhỏ và lượng quả thu được khá ít, mỗi cây chỉ cho khoảng 1-2kg quả. Số quả thu hoạch chỉ đủ dùng cho gia đình nên anh không bán. Thi thoảng, anh gom chanh rừng từ Mẫu Sơn về để bán cho khách. Anh cũng đang thử ghép chanh rừng vào cây bưởi với hy vọng sẽ thu được nhiều quả hơn trong thời gian tới.
Anh Sơn cho biết thêm rằng quả chanh rừng chỉ bé như quả quất, thậm chí nhỏ hơn và có vị chua dịu. “Tôi nghĩ điều làm nên sự đặc biệt của chanh rừng chính là hàm lượng tinh dầu cao. Nếu sử dụng chanh rừng để ngâm mật ong hay làm chanh muối thì gần như không loại chanh nào có thể vượt qua được nó,” anh chia sẻ.
Anh biết đến cây chanh rừng Mẫu Sơn cách đây hơn chục năm trong một lần tham gia hội chợ nông sản, và mấy năm gần đây anh mới có cơ hội đem giống chanh này về vườn.
Khi trồng tại vườn nhà, anh không quá kỳ vọng cây có thể ra hoa và đậu quả ở đất Hà Nội. Nhưng thực tế, chanh rừng Mẫu Sơn đã phát triển vượt quá mong đợi của anh khi hoa và quả đều sai trĩu cành, chất lượng quả ổn định hàng năm.
Dù là giống cây bản địa ở nước ta, anh cho biết rất khó để tìm mua cây giống trên mạng. Vì vậy, anh phải lên tận Mẫu Sơn (Lạng Sơn) để lấy cây giống về trồng.
Tác giả: Quỳnh Trang
-
Cây lau nhà dùng lâu sẽ hôi và bẩn: Làm cách một lúc là sạch sẽ, thơm tho như mới
-
Bí quyết chọn mua dứa mật thơm ngon, chảy mật vàng ươm
-
Tại sao người xưa dạy khi người thân qua đời, chớ khóc khiến nước mắt rơi lên họ? Đại kỵ gì?
-
Vì sao người xưa dặn nhau: 'Đàn ông sợ tháng tám, đàn bà sợ tháng 12 âm lịch'?
-
Đậu bắp - "nhân sâm xanh" cho cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai