Lợi ích của người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện xã hội được hưởng những lợi ích sau:
- Thứ nhất, hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên).
- Thứ hai, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, để khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu.
- Thứ ba, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ bảo hiểm xã hội.
- Thứ tư, người đang hưởng lương hưu, hoặc đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.
- Thứ năm, được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm.
- Thứ sáu, thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đều được ghi nhận để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng một lần khi tham gia bảo hiểm tự nguyện như thế nào?
Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, mức hưởng BHXH một lần của người tham gia BHXH tự nguyện được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
- 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Mức hưởng BHXH một lần của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ, trừ trường hợp bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Mức đóng BHXH tự nguyện
Theo Khoản 2, Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (tương đương 29.800.000 đồng/tháng).
Đối tượng nào được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 18/2/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi.
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố.
- Người lao động giúp việc gia đình.
- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.
- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình.
- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Người tham gia khác.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu với công chức, viên chức mới nhất theo luật Bảo hiểm xã hội
-
Đóng BHXH đủ 30 năm nhận mức lương hưu bao nhiêu?
-
6 trường hợp nghỉ hưu sớm vẫn hưởng nguyên lương, người dân nên biết để không chịu thiệt
-
Đóng BHXH đủ 25 năm nhận lương hưu bao nhiêu?
-
Đóng BHXH trên 20 năm hưởng lương hưu bao nhiêu?