Lời Phật dạy: Con người cần học cách NGHỈ NGƠI, CHO ĐI và BUÔNG XUÔI

( PHUNUTODAY ) - Càng sân si nhiều thì càng mệt mỏi, cuộc sống là vậy. Trước khi rời xa trần thế, con người nhất định phải biết 3 điều theo lời Phật dạy.

Hãy cũng đọc câu chuyện sau đây:

"Có một tỷ phú sống trong căn biệt thư xa hoa. Nhưng một ngày kia mắc bệnh hiểm nghèo, ông chợt nhận ra rằng tất cả những gì là danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói.

Vì lo sợ sẽ không sống được bao lâu nữa, ông bèn tìm đến một vị danh y để xin lời khuyên. Sau khi bắt mạch, danh y nói với ông rằng: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê cho ông ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo.”

Vị tỷ phú về nhà, trong lòng phấp phỏng hy vọng. Ông lấy đơn thuốc đầu tiên ra và đọc: “Hãy đến một bãi biển và nằm đó khoảng 30 phút, làm liên tục như vậy 21 ngày.” Mặc dù thấy khó hiểu, nhưng ông vẫn quyết định ra bờ biển. Ông lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm trên bãi cát. Bất chợt một cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái vô cùng bao trọn thân thể ông. Vì trước đây công việc bận rộn nên ông không có cơ hội nghỉ ngơi. Nay ông có thể tĩnh tâm lại để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim ông bỗng thổn thức, chưa bao giờ ông có được cảm giác thoải mái như bây giờ.

Ngày thứ 22, ông mở đơn thuốc thứ hai, trong đó viết: “Hãy tìm 5 con cá hoặc tôm rồi thả chúng xuống biển, liên tục như vậy trong 21 ngày.” Trong lòng ông đầy rẫy những băn khoăn, nhưng vẫn cặm cụi đi mua tôm cá rồi thả chúng ra biển. Ngắm nhìn từng con vật bé nhỏ được trở về với biển khơi, trong lòng ông không nén nổi nỗi xúc động.

Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc thứ ba: “Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy không hài lòng lên bãi cát.” Nhưng khi ông vừa viết xong, thủy triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại viết, sóng lại cuốn đi, lại viết, lại cuốn đi, rồi lại viết, và lại cuốn đi… ông bật khóc nức nở vì chợt hiểu ra tất cả. Khi về nhà ông cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, tinh thần chưa bao giờ thoải mái và tự tại đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa."

 Ảnh minh họa.

Thì ra con người ta chỉ cần học được 3 điều trên thì sẽ vui vẻ hạnh phúc:

Thứ nhất: Nghỉ ngơi

Thứ hai: Cho đi

Thứ ba: Buông xuống

Là người nhất định phải biết nghỉ ngơi

Phật giáo cho rằng, trong xã hội này có hai loại người. Một là quá tham lam, mong muốn và theo đuổi sự thành công, mong muốn kiếm tiền, ham muốn sao cho mình không ngừng vươn xa hơn nữa. Còn loại người thứ hai sống không có mục đích, không có chí tiến thủ.

Nhưng chúng ta cần nhận thức rõ rằng, có người mới được ít đã thấy đủ; có người biết đủ và cảm thấy vui vẻ, đây là hai dạng người không giống nhau. Người được ít mà thấy đủ chính là người chỉ cần được chút ít đã xem là đủ; người biết đủ cảm thấy vui vẻ chính là người có nhiều cũng cảm thấy đủ, có ít cũng cảm thấy đủ, có được nhiều thì càng tốt, có được ít cũng không sao, họ không để mình cảm thấy đau khổ, không làm tổn hại đến người khác, đó chính là biết đủ sẽ cảm thấy vui vẻ – tri túc.

Nếu một người lao đầu vào kiếm tiền, không chừa thủ đoạn nào để theo đuổi thành công và tài phúc mà không biết dừng nghỉ sẽ có ngày cảm thấy vô cùng mỏi mệt. Theo đuổi những chân trời viễn mộng khiến ta rất đau khổ, rất căng thẳng, bởi vì khi đã giành được nó ta lại sợ sẽ mất đi, sau khi mất đi thì lại muốn giành được nó, cũng gần giống như việc đánh bạc, mong muốn tất cả những đồng tiền ở túi kẻ khác là tiền của mình, bị thua lại mong thắng, thắng được rồi lại muốn thắng nữa, không bao giờ biết thỏa mãn.

Người thông minh là người biết nên làm và nên nghỉ ngơi hợp lý. Có như thế mới cân bằng cuộc sống và an nhiên, tự tại.

Đồng thời, con người sống cũng phải biết cho đi

Trong cuộc sống này, những gì ta cho đi bằng tình người mới thật sự đúng nghĩa là cho mà không phải là sự trao đổi hay mua bán dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, nếu ta biết cho đi những giá trị vật chất để giúp đỡ hoặc chia sẻ khó khăn cho người khác thì đây chính là cách giúp ta có thể nhận lại được niềm vui và hạnh phúc bởi trong ta không có sự toan tính.

Khi cho đi mà chúng ta không kèm theo bất cứ một điều kiện hay sự mong cầu nào thì chính ngay khi ấy chúng ta đã nuôi dưỡng được lòng từ bi vô hạn. Khi ta cho mà không có sự tính toán thì sự cho ấy mới là cao thượng nên ta sẽ nhận được sự an lạc, hạnh phúc.

Còn một điều nữa, đó là phải học cách buông xuống

Nếu như con người biết buông xả trong đời sống hiện tại. Buông đi những lợi danh, buông đi những hận thù chấp nhặt. Đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những “tham – sân – si” trong cuộc sống thường nhật thì sẽ tự tìm thấy cho mình niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.

Bởi khi biết buông xả thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những cám dỗ của tham, sân, si, của mạn nghi ác kiến để rồi nhìn thấy niềm vui xung quanh ta.

Có buông xả được thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì không vừa ý cũng bỏ qua mà không chấp. Nếu ai có làm điều gì xúc phạm cũng dễ dàng tha thứ, mà nếu có giận có buồn thì chỉ một vài phút hoặc một vài giờ, cùng lắm qua một đêm rồi quên hết đi cho đời mình được an vui.

Tham lam là một liều thuốc độc, và dục vọng là con dao hai lưỡi; có một cuộc sống ổn định rồi vẫn muốn theo đuổi sự thoải mái; có cuộc sống thoải mái rồi lại muốn hưởng thụ những vật chất xa hoa…Nếu dục vọng không có điểm dừng thì con người vĩnh viễn không bao giờ cảm thấy đủ, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, và cũng không bao giờ tìm kiếm được niềm vui. Hãy trân trọng những gì bạn đang có, bạn sẽ thấy rằng bản thân mình là người giàu có nhất trên cõi đời này.

Người khôn là người biết “buông bỏ” chứ không phải “từ bỏ"

“Buông bỏ” không phải là “từ bỏ”, bản chất của hai chữ này không giống nhau, kết quả cũng khác nhau. Chọn ‘buông bỏ’ hay ‘từ bỏ’ là cách bạn quyết định cuộc đời mình hạnh phúc hay lụi tàn…

Buông bỏ chính là để trưởng thành, để kiếm tìm những điều tốt đẹp, còn từ bỏ chính là khi người ta nhút nhát tìm chỗ để trốn tránh. Buông bỏ là khi ta đứng bên trên sự việc, còn tự bỏ chính là khi bản thân ta thực sự không buông bỏ được mà phải tìm đến sự trốn tránh. Người khôn biết phải buông bỏ, kẻ dại chỉ có từ bỏ.

Sống trên đời này, nhắc đến chuyện buông hay không buông, tất cả đều xuất phát từ những dục vọng, ham muốn chiếm dụng điều gì đó trong cuộc sống, mà đa phần là tình cảm và hạnh phúc. Hạnh y khói bay đi chỉ trong đôi ba tiếng đồng hồ.

Rồi ta lại khát khao đi tìm và dễ dãi tin rằng một đối tượng nào đó trong tương lai sẽ mang lại hạnh phúc lâu bền hơn. Hạnh phúc luôn là những khao khát lớn nhất của con người, tùy vào hiểu biết của mỗi người qua từng xã hội và từng thời đại mà hạnh phúc được quan niệm 1 cách khác nhau.

Có người họ gặp xui rủi triền miên nên họ quả quyết rằng trên đời này làm gì có hạnh phúc. Còn những người trẻ thì cứ mơ mộng hạnh phúc chắc ở cuối con đường mình đang đi. Và hằng bao lớp người đi gần hết kiếp nhân sinh này mà vẫn không tìm thấy hạnh phúc và đuổi theo nó như 1 trò chơi cút bắt.

Con người vốn dĩ không cảm thấy hạnh phúc là bởi họ mưu cầu quá cao, không bao giờ biết đủ. Và khi không cảm thấy hạnh phúc, nhiều người lại cảm thấy bất hạnh, đau khổ, từ làm khổ mình.

Trên đời này, những gì thuộc về tình cảm là thứ dễ thay đổi nhất. Có những người chấp nhận buông bỏ, mỉm cười, quên đi mà sống, nhưng lại có những người không cam tâm, sống chết vẫn khư khư để rồi tự làm khổ mình. Cho đến cuối cùng vẫn không thể giữ được, mới đau khổ “từ bỏ” và chạy trốn, nhưng có điều làm cách này, suốt đời bạn sẽ chẳng quên được, và sẽ vô cùng đau khổ.

Phật dạy, vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một loại năng lực trí tuệ. Muốn giải quyết buồn phiền là phải quên đi buồn phiền. Không loạn trong tâm, không kẹt trong tình, không sợ tương lai, không nghĩ quá khứ. Cười ngắm gió mây tan, ngồi yên khi mây lên.

Con người sống trên đời, làm người không cần đòi hỏi, làm việc không cần hoàn hảo, hưởng lạc không được hưởng đến hết. Làm người phải biết dừng lại đúng lúc, đối với người khác là một sự khoan dung, đối với chính mình là một con đường để lui.

Tác giả: Vân Tiên