Luộc vịt đừng chỉ cho nước lã với gừng, thêm loại quả này, thịt thơm mềm ngon ngọt

( PHUNUTODAY ) - Khi thêm loại nguyên liệu đặc biệt này, món thịt vịt luộc sẽ trở nên thơm ngon, đặc sắc hơn.

Vịt luộc là món ăn thơm ngon, mát lành được nhiều người yêu thích trong mùa hè. Vịt chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Hàm lượng chất béo trong vịt cao nhưng đa số là chất béo lành mạnh. Thịt vịt còn cung cấp nguồn protein tuyệt vời cho cơ thể.

Theo Đông y, ăn thịt vịt giúp cơ thể tư âm, dượng vị, hỗ trợ điều trị các bệnh như tiểu tiện khó, bổ ngũ tạng, giải độc...

Thịt vịt tuy ngon nhưng lại không dễ chế biến. Nếu không biết cách, miếng thịt vịt sẽ bị thâm đen và có mùi hôi khó ăn.

Cách chọn vịt

Để luộc vịt không bị hôi, thịt mềm ngọt, bạn cần chọn con vịt to béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông (tức là ở điểm mút của hai cánh vịt, lông vừa đủ đan chéo vào nhau). Những con vịt trưởng thành sẽ dễ làm lông hơn. Nếu chọn vịt nhỏ thì thịt sẽ bị nhão, nhiều lông tơ. Vịt non sẽ có mỏ to và mềm. Vịt già mỏ sẽ nhỏ và cứng hơn.

Đối với vịt làm sẵn, hãy quan sát phần đùi, lườn. Phần đùi, lườn căng bóng, thớt thịt dày, có thể là vịt đã bị bơm nước. Để kiểm tra kỹ hơn, hãy thử dốc ngược con vịt lên. Dùng tay ấn vào đùi và lườn, nếu thấy thịt bập bùng và nhão thì đây chính là vịt bơm nước để tăng trọng lượng.

Sơ chế vịt

Để vịt không có mùi hôi, bạn nên cắt hết phần tuyến nhờ ở đuổi. Nếu không bỏ phần này, khi luộc, chất nhờn sẽ tiết ra khiến món ăn có mùi khó chịu.

Vịt đã được làm sạch lông thì đem xát chanh, muối, gừng hoặc dùng giấm, rượu để khử mùi hôi. Lưu ý rửa cả bên ngoài và bên trong của con vịt. Sau đó, rửa lại vịt bằng nước sạch và để ráo nước.

Gia vị luộc vịt

Bạn có thể sử dụng nước lọc thông thường để luộc vịt hoặc dùng nước dừa để tăng thêm hương vị cho món vịt. Nếu dùng nước dừa, chỉ cần 1-2 quả dừa non là đủ, có thể chế thêm nước lã để nước đủ ngập con vịt, không cần cho quá nhiều nước dừa tươi.

Ngoài ra, để vịt thơm ngon, không có mùi hôi, bạn hãy cho thêm gừng nướng đập dập (hoặc sả đập dập) và một chút gia vị vào nồi luộc vịt.

Luộc bằng nước nóng

Khác với da gà mềm mỏng, dễ bục rách nên thường phải luộc ngay từ khi nước còn nguội thì ngan và vịt có da dày hơn nên có thể cho vào nồi luộc khi nước đã sôi.

Sau khi cho vịt vào nồi thì hãy hạ nhỏ lửa và hớt bọt (nếu có).

Đậy vung và luộc vịt trong khoảng 5-10 phút (tùy kích thước con vịt).

Thêm mướp hương vào nồi luộc vịt

Để món vịt luộc thơm ngon, ngọt thịt, bạn hãy cho thêm mướp hương. Thông thường, mướp hương sẽ được mang đi luộc, xào với lòng gà, lòng vịt hoặc nấu canh cua chứ ít người biết rằng cho vào luộc vịt cũng rất hợp vị.

Chuẩn bị 1-2 quả mướp hương (tùy kích cỡ con vịt to hay nhỏ) gọt vỏ, bổ đôi theo chiều dọc.

Khi đã luộc vịt được 5-10 phút thì bỏ mướp hương vào nồi. Luộc tiếp 5 phút nữa là có thể tắt bếp. Ngâm vịt trong nồi chừng 15-20 phút mới vớt vịt ra.

Để kiểm tra xem vịt đã chín chưa, bạn có thể xiên đầu đũa hoặc que tre nhỏ vào thân con vịt. Nếu không thấy nước đỏ chảy ra nghĩa là vịt đã chín.

Khi thịt vịt nguội thì có thêm đem chặt thành miếng vừa ăn. 

Phần nước luộc vịt có thể dùng để nấu canh tùy sở thích.

Tác giả: Thanh Huyền