Vịt là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Bạn có thể chế biến vịt theo nhiều cách khác nhau như vịt luộc, vịt nướng, vịt giả cầy... Trong đó, món vịt luộc là đơn giản và dễ ăn nhất. Tuy nhiên, thịt vị có mùi hôi tự nhiên, nếu không biết xử lý, món ăn sẽ kém ngon đi rất nhiều.
Để luộc vịt không bị hôi tanh, thịt mềm, bạn hãy làm theo cách dưới đây.
Chọn vịt ngon
Để có món vịt luộc ngon, khâu chọn nguyên liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để vịt không hôi, thịt mềm ngọt, bạn nên chọn những con vịt to béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông (điểm mút của hai cảnh có đủ lông đan chéo vào nhau). Những con vịt như vậy vừa dễ làm lông lại nhiều thịt, thịt không bị nát hay dai. Nếu chọn vịt nhỏ thì thịt bị nhão và mất nhiều thời gian để làm sạch phần lông tơ. Những con vịt có mỏ to và mềm là vịt non, không nên chọn mua.
Khi mua vịt sống, bạn nên kiểm tra phần hậu môn. Nếu thấy dính phân chảy là vịt bệnh, tốt nhất không nên mua.
Với vịt đã làm sẵn, bạn chọn những con mới mổ, ấn tay vào thấy thịt vịt chắc, có độ đàn hồi tốt.
Nếu thấy hai bên đùi, lườn con vịt căng bóng, thớ thịt dày thì nên cẩn trọng vì đó có thể là vịt bơm nước. Dốc ngược con vịt lên và ấn tay vào phần đùi, lườn, nếu thấy thịt bập bùng, nhão thì đó là vịt bị bơm nước để tăng trọng lượng.
Mẹo luộc vịt không bị hôi
Để luộc vịt, bạn cần chuẩn bị các gia vị như sau: Muối, tiêu, rượu trắng, gừng.
Vịt sau khi đã làm sạch lông cần được cắt hết phần tuyến nhờn ở đuôi (phao câu). Đây chính là phần gây ra mùi hôi của món vịt. Nếu không cắt bỏ, chất nhờn sẽ tiết ra trong quá trình nấu làm món ăn có mùi khó chịu.
Sau đó, bóp vịt với một chút muối, tiêu, gừng đập dập và rượu trắng. Ướp vịt trong khoảng 30 phút rồi đem rửa sạch và để ráo.
Cho vịt vào nồi, đổ ngập nước và thêm gừng đập dập. Luộc vịt khoảng 20-25 phút (tùy kích thước con vịt).
Để kiểm tra xem vịt đã chín hay chưa, bạn có thể dùng đũa xiên thử vào thân vịt. Nếu thấy nước đỏ chảy ra thì đun thêm vài phút cho thịt vịt chín kỹ hơn. Khi vịt chín thì tắt bếp, đậy vung và om thêm khoảng 5 phút rồi mới vớt ra.
Để vịt nguội bớt rồi chặt thành miếng vừa ăn, bày ra đĩa.
2 cách pha nước chấm vịt luộc
Nước mắm chấm vịt luộc
Gừng gạo sạch vỏ, băm nhỏ; ớt bỏ hạt, băm nhỏ; tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
Cho 5 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê nước cốt chanh vào bát và khuấy đều. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
Cho ớt, gừng và tỏi vào bát nước mắm.
Xì dầu tỏi ớt chấm vịt luộc
Gừng, tỏi và ớt băm nhỏ.
Cho 4 thìa cà phê xì dầu/nước tương, 1/2 thìa cà phê mì chính, 1 thìa đường vào bát và khuấy đều. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị. Thêm gừng, ớt và tỏi băm.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Pha nước chấm muốn tỏi ớt nổi lên 'không trượt phát nào', nhớ kỹ 3 mẹo sau
-
Hầm xương chớ dại cho 3 loại gia vị này vào nồi kẻo nước dùng tanh nồng, khó ăn
-
Luộc tôm nhớ cho 2 gia vị này: Tôm đỏ au, thịt chắc ngọt, không tanh
-
Luộc dạ dày lợn cứ thêm thứ này, đảm bảo miếng nào cũng trắng giòn, không hôi
-
4 lưu ý quan trọng khi ngâm chanh đào mật ong chuẩn, để lâu không ủng, không bị nổi váng