Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Khi đó, lương hưu của lao động nam sẽ thấp hơn nữ.
Với thay đổi này, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch, dù cùng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội như nhau. Sau đủ 15 năm đóng BHXH, lao động nữ hưởng 45%, trong khi tỷ lệ hưởng với nam chỉ còn 33,75%.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc giảm thời gian đóng xuống 15 năm chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định, chủ yếu là nhóm tham gia bảo hiểm xã hội muộn do không có điều kiện đóng dài, không phải tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
"Những người tham gia bảo hiểm muộn, có thể hưởng mức lương hưu khiêm tốn hơn, nhưng về già họ vẫn có nguồn thu nhập là lương hưu ổn định hằng tháng. Đặc biệt, người có lương hưu là có bảo hiểm y tế, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già", ông Cường nhìn nhận.
Lý giải về sự khác biệt trong mức hưởng của nam và nữ, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho rằng, lần sửa đổi luật này hướng đến mục tiêu ưu tiên mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Mục đích là để nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu, thay vì yêu cầu đảm bảo cân đối, tính bền vững, ổn định lâu dài của Quỹ bảo hiểm xã hội như các lần sửa Luật Bảo hiểm xã hội trước đây.
Vì vậy, công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội các năm 2006, 2014.
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 từng quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam và nữ để hưởng 45%. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là kết quả việc sửa Luật năm 2006 đã điều chỉnh tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu của nam lên 20 năm. Với lao động nữ, nhà nước vẫn giữ nguyên điều kiện cần tối thiểu 15 năm đóng để hưởng lương hưu (tỷ lệ hưởng 45%).
Do đó, khi giảm năm đóng nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch.
Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng dẫn đến mức lương hưu thấp, ông Cường nhấn mạnh nguyên tắc, muốn có lương hưu cao thì tỷ lệ đóng phải cao, số năm đóng dài. Song, để mở rộng độ phủ của bảo hiểm xã hội, nhà nước chủ trương ưu tiên để có thêm nhiều người từ chỗ chưa có lương hưu đến có lương hưu trước, dần dần mới tính đến chuyện cải thiện mức hưởng.
"Bản chất của bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng đều hướng đến tích lũy thời gian đóng khi còn trẻ để về già được hưởng lương hưu. Khi đặt vấn đề này trong xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, chúng tôi cũng rất trăn trở, thấy cần thông tin đầy đủ hơn nữa về chính sách với người lao động", ông Cường nói.
Đại diện cơ quan soạn thảo dự luật cũng nhấn mạnh, quy định giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hằng tháng xuống 15 năm không áp dụng cho mọi nhóm đối tượng, trong đó có trường hợp nghỉ hưu sớm. Những người nghỉ hưu sớm vẫn phải đóng BHXH đủ 20 năm để được hưởng lương hưu.
"Với những người nghỉ hưu trước tuổi, theo quy định hiện hành, mỗi năm nghỉ sớm hơn tuổi quy định sẽ bị trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Nếu áp dụng quy định trên với nhóm này sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp (thời gian đóng ngắn, bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi) nên mức lương hưu thấp.
Cụ thể, lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm trước 5 năm thì bị trừ 10% nên tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%", đại diện Ban soạn thảo luật lý giải.
Tác giả: Mộc
-
10 công việc hưởng lương cao nhất Việt Nam hiện nay, thu nhập lên đến 100 triệu/tháng
-
Dự kiến năm 2024: Những ai không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng?
-
Từ nay trở đi: 6 trường hợp này không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế, ai cũng nên biết
-
3 hình thức chi trả lương hưu mới sẽ được áp dụng: Lương hưu tháng 1-2/2024 nhận gộp?
-
Căn cước điện tử là gì? Ai được cấp căn cước điện tử?