Lưu ý khi lau dọn bàn thờ ngày 23 tháng chạp

( PHUNUTODAY ) - Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là dịp ông Công ông Táo từ gian bếp của ngôi nhà cưỡi cá chép về trời bẩm báo những việc đã xảy ra trong gia đình suốt cả năm vừa qua. Vì vậy, đây cũng là dịp người dân tiến hành dọn dẹp ban thờ trong nhà để đón năm mới.

 

Lau dọn ban thờ

Thông thường, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (23/12 Âm lịch) – thời điểm tiễn Táo Quân lên trời là mọi người bắt đầu thu xếp thời gian dọn dẹp, bày biện bàn thờ. Tất nhiên việc này kéo dài tới trước giao thừa là mọi việc phải hoàn tất.

Trước khi thực hiện lau dọn, gia chủ phải tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên rồi thắp hương và khấn thông báo với các thần linh và gia tiên về việc hôm nay sẽ dọn ban thờ nên mời thần linh và gia tiên tạm lánh để con cháu thực hiện công việc. Đợi cho hương cháy hết gia chủ mới bắt đầu thực hiện công việc.

Trước khi dọn dẹp ban thờ, gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc chỉnh tề, tiếp đó chuẩn bị một mâm lễ nhỏ (thường là hoa qủa) đặt lên bàn thờ rồi thắp một nén hương khấn tổ tiên và thần linh xin phép về việc dọn dẹp nơi thờ cúng và mời các ngài tạm lánh.

Cách lau dọn bàn thờ ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm

Chuẩn bị một chiếc bàn để đặt bài vị lên trên. Nên nhớ nếu ban thờ của gia đình thờ cúng chung tổ tiên với thần linh thì cần sắp bài vị tổ tiên và thần linh ra riêng. Chúng ta cũng cần chờ đến khi cây hương cháy xong mới được tiến hành công việc lau dọn.

Sử dụng một miếng khăn hoặc vải sạch thấm vào nước ấm để lau bài vị. Lưu ý, cần phải nhớ rõ thứ tự lau bài vị của thần linh trước, của tổ tiên sau. Tiếp đến dùng chiếc chổi chuyên dụng để quét dọn các bụi bẩn, mạng nhện hay tàn tro trên ban thờ rồi cũng dùng khăn sạch thấm nước ấm lau lại. Sau khi ban thờ đã được lau dọn sạch sẽ, ta tiến hành đặt bài vị lại chỗ cũ rồi mới bắt đầu tỉa chân hương.

Các bát hương sau khi lau và tỉa chân nhang xong, đợi cho khô ráo thì dùng các tờ tiền vàng đốt hơ quanh. Nếu bát hương thờ thần Phật thì dùng 7 tờ tiền vàng, bát hương tổ tiên thì 3 tờ, gia chủ cầm các tờ tiền đó đốt hơ quanh bát hương để cho cháy một nửa thì bỏ vào trong. Đợi cho tiền vàng cháy hết thành tro thì đổ tro vào một lượt gọi là “ra nhỏ vào lớn” tượng trưng cho mong muốn “tiền vào như nước tiền ra nhỏ giọt". Ngược lại nếu lúc đầu không dùng thìa múc mà đổ tống ra xong lúc sau lại dùng từng thìa múc tro vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn” sẽ tượng trưng cho “tiền ra nhiều mà tiền vào ít”.

Sau công đoạn này, gia chủ đặt lại bát hương lên bàn thờ và thắp hương mới. Việc thắp hương lần đầu này thời trước cũng có một tập tục khá phức tạp là phải thắp 12 nén hương theo vòng tròn như mặt đồng hồ. Nén đầu cắm ở vị trí 1 giờ và khi cắm hương thì đọc “năm năm đều tốt”. Que thứ hai cắm ở vị trí 2 giờ, khi cắm đọc tháng tháng đều tốt. Que thứ 3 cắm ở vị trí 3 giờ và đọc ngày ngày đều tốt… Cứ như vậy cho đến nén thứ 12 thì xong. Tuy nhiên tục này có phần rườm rà và ít người còn thực hiện. Thường sau khi lau dọn xong, gia chủ thắp hương và khấn một lần nữa báo cáo công việc đã hoàn tất đồng thời cầu xin gia tiên phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe bình anh là kết thúc công việc lau dọn ban thờ.

Tác giả: Lại Thị Phượng