Mách bạn cách luộc MĂNG KHÔ khoa học ‘thôi’ hết độc ra ngoài, thấy dấu hiệu này 100% ướp lưu huỳnh

( PHUNUTODAY ) - Măng khô là nguyên liệu quen thuộc đối với các gia đình Việt. Tuy nhiên, nhiều người vì lợi nhuận trước mắt nên sử dụng khá nhiều phẩm màu cùng lưu huỳnh để ướp măng. Đây là chất cực kì độc hại, về lâu dài nó có thể trở thành tác nhân gây ung thư.

Cách nhận biết măng khô có chứa độc hay không?

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa), khi mua măng khô, người tiêu dùng cần để ý mấy điểm sau:

– Mùi vị: Măng khô sấy bằng lưu huỳnh thường có mùi khét đặc trưng của lưu huỳnh chứ không thơm. Hơn nữa, khi đưa lên ngửi, bạn sẽ thấy mùi hơi ngai ngái, khai, cực kì khó ngửi. Hoặc, có một số trường hợp măng khô có sẽ có mùi như mùi diêm. Còn măng khô sạch thì không có mùi lạ, thơm mùi măng.

– Màu sắc:

Măng khô bình thường sẽ có màu nâu nhạt, đường vân rõ ràng, thịt dày. Bởi, bình thường người ta làm thủ công, nếu có sử dụng một ít bột lưu huỳnh thì nó cũng chỉ thấm vào giúp măng không mốc. Tuy nhiên, nếu gặp phải măng khô chứa hóa chất thì sẽ có màu vàng thẫm hoặc màu đen, bóng, nhìn rất đẹp. Đặc biệt, đường vân của măng bị ngâm hóa chất nên không còn rõ ràng nữa.

– Cách bảo quản: Với măng sạch, vì được phơi kĩ nhưng không thể tiếp xúc với không khí vì nó dễ mốc nên người ta thường đựng trong túi nilon. Bên ngoài có ghi rõ ràng địa chỉ, nguồn gốc. Còn nếu là măng đẫm lưu huỳnh thì khác, nó thường được bỏ vào tải lớn, không có thứ gì bọc cũng chẳng có địa chỉ nguồn gốc sản xuất.

– Nơi bán: Măng khô sạch vì thường được sản xuất từ những cơ sở lâu năm nên hay được bày bán ở siêu thị, có cam kết đảm bảo an toàn. Tất nhiên, giá cả của nó cũng cao hơn. Còn măng hóa chất thì hay được bán đầy rẫy ở chợ, không có bao bì, nhãn mác gì cả.

Cách đơn giản để loại bỏ những độc tố tự nhiên và lưu huỳnh có trong măng khô:

– Không chọn mua măng có màu sắc quá bóng loáng hoặc màu sắc khác thường.

– Măng có mùi lạ, mùi lưu huỳnh bay ra. Măng nguyên chất có mùi măng thơm nhẹ do được phơi nắng.

– Măng xuất hiện các vết lốm đốm do mốc.

– Măng cầm có cảm giác mềm hoặc bẻ gãy được.

– Hạn chế mua măng trái mùa thu hoạch thông thường.

– Măng mua về ngâm vào nước lạnh trong thời gian khoảng 1 ngày, thay nước 1-2 lần.

– Sau đó tiếp tục rửa măng thật sạch, ngâm với nước vo gạo 60 – 90 phút.

– Cho măng vừa ngâm vào luộc. Trong quá trình luộc mở nắp nồi để độc tố bay hơi. Nếu có thể, luộc tiếp lần 2, vớt măng ra và để ráo nước.

– Măng không sử dụng hết, đậy kín để tủ lạnh ngăn mát trong 1 tuần hoặc 1 tháng đối với ngăn đá.

Tác giả: Mộc