Năm đầu tiên về làm dâu, tôi choáng với cách chuẩn bị cơm cúng và nấu nướng tiệc tùng của nhà chồng ngày tết. Mỗi khi tết đến, má chồng tôi đều chuẩn bị cơm cúng từ ngày 30 tết, khi rước ông bà ông vải, đến tận hôm hóa vàng là ngày Mùng bốn. Ngày nào má cũng cúng cơm đủ hai lượt với tận sáu, bảy món ăn, bày chật bàn thờ.
Tôi về “ăn tết” theo đúng nghĩa đen. Cả ngày chỉ biết cắm cúi nấu nướng, chẳng đi chúc tết được nhà ai. Hai vợ chồng tôi sống ở thành phố, cả năm chỉ về với ba má mấy ngày tết, nếu bỏ má chồng và chị dâu ở nhà nấu nướng, còn mình thong dong đi chúc tết thì cũng không đành. Nhưng thực sự cứ quanh quẩn ở nhà, từ sáng tới trưa lo nấu nướng, tôi không thoải mái.
Chị dâu tôi về làm dâu trước tôi bốn năm. Nói thật là chị cũng thấy mệt mỏi mỗi khi tết đến vì phải nấu nướng và chuẩn bị cơm cúng với má. Có lần, chị góp ý nói má nấu nướng đơn giản cho đỡ mệt. Nhưng bà giận lẫy rồi bảo nếu chị mệt thì cứ để bà nấu một mình. Cả năm có mỗi cái tết, không chuẩn bị tươm tất sao được.
Má chồng tôi là người gốc Huế, sinh ra trong gia đình nền nếp, gia giáo nên bà rất giỏi nữ công gia chánh. Món ăn bà nấu, mười người ăn khen cả mười. Từ ngày về làm dâu má, tôi cũng học được nhiều món ăn ngon. Được mọi người khen tài nấu nướng, má càng cầu kỳ chuyện bếp núc.
Mâm cơm cúng ngày tết. (Ảnh minh họa)
Ngày lễ tết, hay nhà có đám tiệc, má đều tự tay nấu, chẳng mấy khi đặt món ở ngoài. Ngay cả mấy món mất công như: chả lụa, pate, dưa hành, dưa kiệu, má cũng tự tay làm. Người ta chỉ sắm sửa trước tết khoảng 2 tuần, còn má chồng tôi phải chuẩn bị trước cả tháng, có món còn chuẩn bị lâu hơn.
Cái tết thứ hai tôi về làm dâu ba má, trước tết khoảng hơn một tháng, má bị sỏi thận nặng, phải mổ. Tôi bàn với chị dâu nói má không sắm tết nữa, cứ để các con lo từ đầu đến cuối. Tôi cũng nói chuyện với ba chồng, để ba động viên má không làm đồ ăn hay mua sắm làm nhiều cho cực.
Chị dâu sống ở quê cùng ba má, trước tết chị đã tìm hàng giò chả, hàng bánh tét, dưa hành, dưa kiệu ngon để đặt rồi. Chị em tôi bàn với má, ngày tết không cần bày vẽ cỗ bàn, cơm cúng cầu kỳ làm gì. Chỉ cần thành tâm chuẩn bị tươm tất là được. Bởi người đã khuất chỉ thật sự đi xa khi không còn ai nhớ về họ.
Thay vì mâm cơm cúng bày bảy, tám món, tôi và chị dâu chỉ chuẩn bị mâm cúng gồm: một bán canh nóng, một khoanh giò, đĩa nem rán, hay miếng cá rán, một món xào đơn giản. Thế nhưng, món nào cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, bày biện đẹp mắt. Trước kia, mâm cơm cúng đủ đầy, ngon lành, nhưng bày trên bàn thờ dâng hương cả tiếng, đến lúc bê xuống ăn cũng nguội lạnh, chẳng còn ngon miệng.
Tôi và chị dâu rút kinh nghiệm, mua một bộ bát đĩa nhỏ xinh để bày đồ cúng. Mỗi thứ chỉ bày chút một. Đồ ăn có bị nguội cũng dễ dàng hâm lại, mỗi người ăn vài miếng là hết.
Mẹ chồng - nàng dâu vui vẻ (Ảnh minh họa)
Thay vì cúng cơm suốt từ 30 đến ngày Mùng bốn, chị em tôi bàn với má, chỉ cúng cơm 30, Mùng một và Mùng bốn thôi. Mỗi ngày cúng một bữa, thành tâm là được, Mùng hai và mùng ba để dành thời gian đi chùa, đi chúc tết.
Ban đầu, má có vẻ không vui. May nhờ ba tôi, anh chồng và chồng tôi nói thêm mấy câu, cuối cùng bà cũng đồng ý. Năm đó, cả nhà có nhiều thời gian ngồi bên nhau trò chuyện, đi vãn cảnh chùa, du xuân, thăm viếng họ hàng...
Năm nay, trước tết tôi gọi về cho má, má bảo tết cứ làm đơn giản như mấy đứa lại hay, đỡ mệt người, không phải đau đầu tính toán xem chuẩn bị những gì. Nghe vậy tôi rất vui, vì cuối cùng má cũng thay đổi, dẹp bỏ những lo toan cố hữu bao năm để đón một cái tết an lành.
Tác giả: Dương Ngọc
-
Tết đến, những nỗi sợ không bao giờ chấm dứt của nhiều người
-
Sáng mùng 1 Tết thấy 5 dấu hiệu này phải mở tiệc ăn mừng
-
3 màu sắc nên mặc vào Mùng 1 Tết để cả năm may mắn, phát tài phát lộc
-
Hoa Hậu Ngô Phương Lan nổi bật với áo dài cách tân và quần legging
-
6 món ăn mang ý nghĩa may mắn trong năm mới, các mẹ nhớ nấu nhé!