Mẹo cấp đông tôm cá, để trong tủ lạnh vẫn tươi ngon như mới, thịt không bị nhạt, bở

( PHUNUTODAY ) - Để bảo quản tôm, cá được tươi lâu, bạn hãy áp dụng ngay theo những mẹo nhỏ dưới đây.

Mẹo cấp đông tôm

Đầu tiên, bạn cần chọn những con tôm tươi ngon. Tôm sống, còn bơi khỏe, nhảy tanh tách là tốt nhất. Nên chọn tôm có vỏ trong, trơn bóng, ấn tay vào thân tôm thấy mịn, ráo, không bị nhớt, thân tôm chắc, đàn hồi tốt. Phần đầu và thân tôm phải gắn chặt với nhau, râu càng còn nguyên vẹn. Không mua những loại tôm đã bị mềm, đầu rụng, chân đen, có mùi lạ.

Tôm mua về cần được sơ chế để bảo quản luôn giúp giữ được hương vị tươi ngon.

Đầu tiên, bạn cần dùng kéo cắt vát chéo ở phần đầu để lấy hệ tiêu hóa của tôm. Ngoài ra, nên rút luôn phần chỉ lưng tôm cho sạch sẽ. Phần tiêu hóa và chỉ đen ở lưng tôm là nơi chứa chất thải của con tôm, bao gồm cả các vi khuẩn và những chất có hại. Do đó, bạn nên loại bỏ chúng trước khi bảo quản để tôm giữ được độ tươi ngon lâu hơn, tránh tình trạng tôm bị đen đầu, có mùi tanh.

Sau khi đã loại bỏ hết các phần này, bạn có thể rửa tôm bằng nước đá sạch và vớt ra để ráo hoặc thấm khô.

Để tôm được tươi lâu, không bị tanh, bạn hãy ướp tôm với một chút bia lạnh hoặc rượu trắng. Sau đó, rắc thêm chút đường vào tôm rồi đảo đều. Bia và rượu có chứa cồn có tác dụng khử trùng đồng thời khử mùi tanh của tôm. Thêm đường giúp giữ nước cho tôm. Làm theo cách này, tôm để lâu cũng không bị bở và vẫn giữ được độ tươi ngon tự nhiên. Đường sẽ không tan ở nhiệt độ thấp nên nó cũng giúp các con tôm không bị dính chặt, đóng cục với nhau.

Sử dụng đường để bảo quản tôm giúp tôm giữ nước, không bị khô và cũng không bị đóng cục khi cấp đông.

Sau đó, bạn chỉ cần chia tôm vào các hộp với lượng vừa đủ dụng cho một bữa ăn là được. Nếu không dùng hộp thì có thể dùng túi hút chân không. Để tôm vào ngăn đá tủ lạnh để cấp đông ngay. Khi cần thì lấy hộp tôm ra rã đông, rửa lại một lần cho hết phần rượu/bia và đường là có thể nấu.

Mẹo cấp đông cá

Cá mua cũng cần được làm sạch, loại bỏ phần mang, ruột, vảy, vây và lớp màng đen trong bụng. Nột tạng chính là phần vi khuẩn bắt đầu tấn công đầu tiên sau khi cá được xử lý nên bạn cần loại bỏ phần này. Loại bỏ nội tạng cũng giúp cá không bị tanh.

Sau khi làm sạch, bạn hãy để cá ráo nước hoặc dùng khăn thấm cho thật khô nước ở cả mặt trong và mặt ngoài. Việc thấm toàn bộ nước trên cá giúp dăm đá không hình thành trong khi cấp đông. Làm như vậy, khi rã đông, cá sẽ không bị chảy nước, thịt không bị nhạt, bở.

Cá cần được làm sạch trước khi đem đi bảo quản.

Tiếp đến, bạn hãy dùng màng bọc thực phẩm gói kiến miếng cá, ép hết không khí ra ngoài. Sau đó, để cá vào túi zip để tránh bề mặt cá tiếp xúc với không khí, hạn chế vi khuẩn phát triển. Bạn cũng có thể sử dụng các loại hộp có nắp đậy kín hoặc dùng túi hút chân không để bảo quản cá.

Cuối cùng, đặt cá vào ngăn đá của tủ lạnh để bảo quản.

Tác giả: Thanh Huyền