Mua dầu ăn thấy điểm này thì nhớ tránh xa, cẩn thận rước bệnh về nhà

( PHUNUTODAY ) - Dầu ăn bẩn, kém chất lượng có thể gây ngộ độc cho cơ thể, gây ra các biến chứng và bệnh tật về máu, ung thư... Cùng học cách phân biệt dầu ăn thật và giả để tự bảo vệ mình và gia đình nhé.

Quan sát màu sắc dầu ăn

Mỗi loại dầu ăn thường có màu sắc đặc trưng như: dầu hạt cải thì trong màu vàng có thoáng chút màu xanh lục, dầu hạt lạc thì sẽ thấy thoáng có chút sắc cam hoặc vàng cam, dầu bông thì màu vàng nhạt hơn...

Dầu ăn chất lượng tốt thường có màu vàng sậm, dầu chất lượng trung bình thì màu vàng nhạt hơn. Tất cả đều trong và tươi sáng khi nhìn bằng mắt thường.

Với dầu kém chất lượng, màu sắc thường ngả màu sậm (vàng nâu hay hơi đen), không sáng mà hơi xỉn màu.

Đánh giá qua mùi

Để kiểm tra bằng cách này, bạn cần làm sạch tay nhưng tránh rửa tay bằng xà phòng thơm vì sẽ không đánh giá chính xác được.

Nhỏ vài giọt dầu ăn vào lòng bàn tay trái, dùng tay phải miết cho dầu loang rộng ra hết lòng bàn tay rồi ngửi thử.

- Dầu ăn chất lượng tốt có mùi đặc trưng rõ rệt của từng loại dầu (dầu lạc, vừng, đậu tương, ô liu...), không có mùi khét, hôi hay mùi khó chịu nào khác.

- Nếu thấy dầu có mùi bất thường, mùi ôi hay khét... thì nên chắc đó là dầu kém chất lượng.

Kiểm tra vị

Nếm thử cũng là một cách khá chuẩn để đánh giá dầu ăn có tốt hay không.

Bạn dùng 1 chiếc đũa chấm vào dầu ăn muốn kiểm tra và dùng lưỡi nếm thử. Dầu ăn tốt sẽ không có vị lạ, không chát, không đắng, không chua, chỉ có vị đặc trưng của nguyên liệu làm dầu.

Nên nhổ bỏ và súc miệng kỹ nếu dầu có vị bất thường nhé!

Một vài mẹo kiểm tra dầu ăn bị pha trộn

- Dầu ăn tốt khi lắc chai dầu sẽ thấy dầu chảy trơn tru. Dầu kém chất lượng hay có lắng cặn và lẫn tạp chất nên khi lắc sẽ thấy dầu chảy sệt.

Dầu ăn kém chất lượng hay bị lắng cặn, chảy sệt khi lắc

Dầu ăn kém chất lượng hay bị lắng cặn, chảy sệt khi lắc- Dầu ăn tốt thường không hoặc rất ít bị động đặc (nếu có chỉ một chút lớp dầu bề mặt), còn dầu kém chất lượng thường bị đông sệt (có thể nguyên cả chai hay can dầu) khi gặp thời tiết lạnh.

- Dầu ăn bị pha nước nhiều sẽ xuất hiện phân lớp trong quá trình bảo quản. Đặc biệt với những loại dầu đậm đặc như dầu vừng, đôi khi bị pha nước còn khiến dầu bị phân giải, biến chất, oxy hóa, hư hỏng.

- Có thể nhỏ vài giọt iot vào mẫu thử dầu ăn, nếu thấy xuất hiện màu xanh lam thì dầu ăn đó đã bị pha thêm chất có tinh bột.

Lưu ý sử dụng dầu ăn an toàn cho sức khỏe

Không sử dụng dầu chiên lại nhiều lần

Theo chuyên gia dinh dưỡng, dầu ăn đã qua 1 lần sử dụng tốt nhất nên bỏ đi. Bởi tiết kiệm trong trường hợp này không phải là điều tốt, “Dầu ăn chiên nhiều lần sẽ dễ bị oxy hóa, gây các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch...” - PGS.TS Phan Thị Sửu - GĐ Trung tâm kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết.

Dầu càng chiên lại nhiều lần thì chất độc sẽ càng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không chiên các thực phẩm như cá, thịt, thức ăn có nhiều cặn, dầu ăn có thể tái sử dụng nếu được làm sạch thật kỹ.

Nên dùng nhiều loại dầu ăn

Độ chịu nhiệt của các loại dầu khác nhau, để đảm bảo sức khỏe, gian bếp nhà bạn nên có 2 loại dầu ăn. Một loại dùng cho việc xào, trộn dầu dấm, salad, nấu canh,… như dầu mè, dầu đậu nành, dầu olive; loại còn lại chuyên dùng khi chiên, rán như dầu dừa, dầu đậu phộng…

Lựa chọn dầu ăn phù hợp để chế biến các món ăn còn là để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt đối với nhóm người trung niên và cao tuổi, tỷ lệ dầu thực vật nên ở mức 60-70% tổng lượng chất béo mà cơ thể cần.

Bảo quản dầu ăn đúng cách

Hãy đóng nắp chai thật kỹ sau khi sử dụng để tránh hơi ẩm, không khí, bụi bẩn rơi vào. Nên chứa dầu ăn trong các chai nhựa đảm bảo vệ sinh, tránh các vật chứa bằng kim loại vì chúng sẽ khiến dầu ăn nhanh hỏng hơn.

Cần để dầu ăn ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời hay bếp lò. Tốt nhất nên bảo quản ở nhiệt độ từ 10 - 15 độ C hoặc không quá 35 độ C. Ngoài ra, một số loại dầu ăn nên để trong tủ lạnh theo khuyến cáo ghi trên bao bì.

Tác giả: Mộc