Năm 2024 lương hưu có tăng không?

( PHUNUTODAY ) - Lương hưu là khoản thu nhập chính của người lao động đã nghỉ hưu sau thời gian dài đóng bảo hiểm xã hội. Lương hưu liệu có tăng khi điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024?

Lương hưu là khoản thu nhập chính của người lao động đã nghỉ hưu sau thời gian dài đóng bảo hiểm xã hội. Khi sức khoẻ ngày một giảm sút và vật giá leo thang thì sự mong mỏi tăng lương hưu ngày một nhiều. Lương hưu liệu có tăng khi điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024?

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024?

Ngày 20/12/2023, sau phiên đàm phán, thương lượng lần thứ hai, tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ ngày 01/7/2024.

Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng.

Lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng. Lương tối thiểu vùng hiện hành các vùng đang dao động 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng.

Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.

Như vậy, thời điểm dự kiến tăng lương tối thiểu vùng là ngày 01/7/2024. Trong đó, mức lương tối thiểu vùng cao nhất là 4.960.000 đồng/tháng và mức thấp nhất là 3.450.000 đồng/tháng.

Lương hưu có tăng khi điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024?

Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7. Khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội có thể tăng theo.

Theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo công thức sau:

Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu với lao động nam là đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Lao động nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Nếu nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm lao động, mỗi năm nghỉ hưu sẽ bị trừ 2% vào tổng tỷ lệ hưởng (có thời gian lẻ dưới 6 tháng không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên tính mức giảm là 1%).

Đối với lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ có công thức và tỷ lệ hưởng lương hưu tương tự như người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do đó, nếu tăng mức lương tối thiểu vùng, lương của người lao động cũng có thể tăng. Đồng thời sẽ làm tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, sẽ kéo theo việc tăng lương hưu hằng tháng. Từ ngày 1/7/2024, khi tăng lương tối thiểu vùng, người tham gia bảo hiểm xã hội cũng sẽ được tăng lương hưu nếu nghỉ hưu sau thời điểm này.

Năm 2024, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Căn cứ Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi:

- Đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028

- Đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng với lao động nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm, lao động nam tăng thêm 3 tháng, lao động nữ tăng thêm 04 tháng.

Như vậy, năm 2024 tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường là 61 tuổi với lao động nam và với nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Tác giả: Vũ Thêm