Nếu một ngày hàng xóm trở thành F0, cần làm gì? BS hướng dẫn cách xử trí để đảm bảo an toàn

( PHUNUTODAY ) - Nếu không may những người xung quanh trở thành F0, bạn cũng nên bình tĩnh, không cần hoảng hốt, lo sợ.

Virus không tự "bay" từ nhà này sang nhà khác

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người hoặc động vật sang người qua 3 con đường chính:

- Qua tiếp xúc: Bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm như bắt tay, ôm hôn. Hoặc tiếp xúc gián tiếp bằng cách chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Qua giọt bắn: Khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi tạo ra các giọt bắn chứa virus. Các giọt này bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải sẽ tạo ra nguy cơ nhiễm bệnh đối với người khỏe mạnh.

- Qua không khí: Không khí ở đây là môi trường kín, thông khí kém, bệnh nhân được thực hiện chăm sóc y tế và tạo ra các hạt nhỏ (aerosol) chứa virus lan tỏa trong không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.

Cách xử lý khi có hàng xóm là F0

ThS.BS Trần Thị Hoa Vi - Giảng viên Bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, nếu phát hiện hàng xóm là F0, điều đầu tiên bạn cần làm là phải bình tĩnh. Sau đó, hãy xác định xem mình có tiếp xúc gần hay không. Tiếp xúc gần ở đây được hiểu là tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách dưới 2 mét với người nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 trong thời kỳ mắc bệnh.

Trong trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh, bạn cần tuân thủ 5K, tự cách ly, theo dõi tại nhà 14 ngày.

Bác sĩ Hoa Vi cho biết, nếu hàng xóm là F0 và họ tuân thủ cách ly tại nhà, mình không tiếp xúc gần với ai thì virus không thể lây lan từ nhà này sang nhà khác.

Ảnh minh họa

TS.BS Võ Văn Hải, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chỉ ra một sai lầm nhiều người mắc phải khi hàng xóm là F0, đó chính là đóng kín cửa. Theo bác sĩ, ngay cả khi bạn đóng kín cửa nhưng vẫn sẽ có lúc phải đi ra ngoài để đổ rác, lấy đồ ăn... Khi đó, bạn đã tiếp xúc với môi trường bên ngoài và nếu môi trường này có F0 không tuân thủ tốt 5K thì bạn có thể sẽ vô tình mang mầm bệnh vào nhà. Đóng kín cửa lúc này chỉ nhốt mầm bệnh ở trong nhà. Khi đóng kín cửa và nhà không có hệ thống thông gió, nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao.

Môi trường rộng, thông thoáng khí trời, có nắng và gió... sẽ giúp giảm nồng độ virus, thậm chí bất hoạt, làm giảm khả năng lây nhiễm của virus. Do đó, bác sĩ Hải khuyến cáo các gia đình nên tạo môi trường nhà cửa thông thoáng để hạn chế khả năng lây nhiễm.

BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cũng chia sẻ với quan điểm nếu hàng xóm trở thành F0, chúng ta cần xác định xem trước đó mình có giao lưu với người bệnh hay không và có thể làm test nhanh tại nhà để kiểm tra. Các trường hợp trở về từ vùng có nguy cơ cao cũng có thể tự test nhanh tại nhà.

Bác sĩ Khanh đưa ra lưu ý: "Tránh suy nghĩ hàng xóm là nguồn lây, có thể bạn lây nhiễm SARS-CoV-2 từ nguồn khác, nơi khác khi bạn chủ quan, không tuân thủ 5K".

Về việc có nên khử khuẩn bề mặt đồ dùng trong nhà khi phát hiện hàng xóm là F0 hay không, bác sĩ Khanh cho biết, nếu đang sống trong môi trường thông thường, các thành viên trong nhà đều là người an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm thì có thể vệ sinh nhà cửa như bình thường; đảm bảo phòng thông thoáng, có ánh nắng. Bạn có thể vệ sinh về mặt bằng dung dịch diệt khuẩn nhưng không nên lạm dụng. Sử dụng quá nhiều dung dịch hoạt chất khử trùng có chứa clo sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Tác giả: Thanh Huyền