Ngành Sư phạm "bỗng dưng hot" trở lại sau nhiều năm "ế ẩm"
Khoảng 5 năm qua, ngành Sư phạm (đào tạo giáo viên) đã trở thành ngành "hot" và nhận được nhiều quan tâm từ học sinh và phụ huynh.
Năm 2024, số lượng nguyện vọng xét tuyển vào ngành Sư phạm đạt 200.000, tăng 85% so với năm ngoái. Cụ thể, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM ghi nhận số thí sinh đăng ký lên tới 31.252, gấp đôi so với năm 2023 (15.596 thí sinh).
Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết nhiều thí sinh quan tâm đến khối sư phạm của trường, đặc biệt là ngành Sư phạm Anh. Với phương thức xét điểm học bạ, Sư phạm tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất, đạt 29 điểm.
Điều này cho thấy sức hút của ngành Sư phạm đã quay trở lại. Năm 2023, top 27 ngành có điểm chuẩn cao năm 2023 có tới 5 ngành của trường sư phạm với mức điểm 28 trở lên. Nhiều trường đào tạo ngành sư phạm cũng ở mức trên 27 điểm, tức mỗi môn 9 điểm mới đỗ.
Dự kiến, điểm chuẩn ngành Sư phạm năm 2024 sẽ cao hơn so với các năm trước. Cụ thể, tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn dự kiến dao động từ 21,43 đến 29,81 điểm, với ngành Sư phạm Hóa có điểm chuẩn cao nhất là 29,81 điểm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-1,5 điểm so với năm ngoái.
Nhờ vào các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo rằng trong năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc đã tuyển gần 3.400 sinh viên bậc tiến sĩ và gần 40.600 sinh viên bậc thạc sĩ. Trong số đó, ngành đào tạo giáo viên có số lượng người học tiến sĩ với mức tăng ấn tượng 51,3%, đứng sau nhóm ngành khoa học sự sống và khoa học tự nhiên, đạt mức tăng cao nhất 57,55%.
Theo ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự quan tâm tăng cao đối với ngành Sư phạm một phần là nhờ vào các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Nghị định 116/2021 của Chính phủ quy định sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên sư phạm đều được hưởng chính sách này.
Cụ thể, sinh viên ngành Sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản: học phí và sinh hoạt phí. Mức hỗ trợ học phí tương đương với mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên theo học; và hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (10 tháng/năm). Sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm việc trong ngành giáo dục, sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng cho sinh viên khóa tuyển sinh 2021.
Tăng lương và phụ cấp, tạo điều kiện cho giáo viên
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 với toàn bộ đại biểu Quốc hội tham gia tán thành việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024, dẫn đến việc lương của cán bộ giáo viên cũng sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, mức lương của giáo viên dao động từ 4,91 triệu đồng đến gần 16 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào cấp bậc.
Theo Thị trường tài chính, ngoài mức lương, giáo viên còn được hưởng 8 loại phụ cấp như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, ưu đãi theo nghề, công tác ở vùng khó khăn và phân loại đơn vị hành chính. Những chính sách này giúp nâng cao đời sống giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc giảng dạy, gắn bó với nghề.
Tác giả: Dương Ngọc
-
Trường hợp nào được hoàn trả tiền đóng BHYT năm 2024?
-
Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, nhiều địa phương miễn giảm học phí, có nơi miễn 100%
-
Ngôi trường THPT đẹp mộng mơ như trong phim Hàn, hiện đại thứ 2 Đông Nam Á, chất lượng cũng thuộc "đỉnh"
-
Từ 11-13/8, miền Bắc mưa lớn dồn dập, người dân cần chú ý điều này
-
Thời tiết miền Bắc lại sắp đón mưa bão dồn dập, bất thường từ tháng 8