Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được nhiều người biết đến là “thủ phủ” của cây na với tổng diện tích trên 1.500 ha.
Cây na theo chân đồng bào dân tộc Tày, Nùng lên những đỉnh núi có độ cao gần 800m rồi vào thung lũng. Nơi nào bước chân người dân đến được nơi đó có na. Nhiều gia đình những ngày này ở hẳn trên các nương na vừa thu hoạch vừa chăm sóc. Toàn huyện Chi Lăng có gần 2.000 ha na trên 9 xã.
Không phải tự nhiên mà na Chi Lăng lại trở thành sản phẩm nổi tiếng, đặc biệt. Hầu như Na Chi Lăng đều được trồng trên những vách núi đá vôi cao chót vót. Đi qua Chi Lăng vào mùa thu hoạch na, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân cheo leo trên những ngọn núi để thu hoạch trái chín.
Na Chi Lăng vào chính vụ
Tháng 8 hàng năm - thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Theo đánh giá từ các hộ nông dân, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện rất tốt để cây na sinh trưởng và phát triển; nhiều quả to và mẫu mã đẹp nên giá bán cũng ổn định. Giá na đầu vụ được các thương nhân thu mua với giá từ 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại; giá bán lẻ na dai Chi Lăng loại quả mẫu mã đẹp đầu vụ có giá từ 55.000– 60.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 80.000 đồng/kg.
Na thường được bà con hái vào sáng sớm khi vỏ quả chuyển từ màu xanh, mắt sâu sang màu xanh vàng, quả tròn, mắt to, các kẽ trắng rộng, da có màu xanh non. Quả na thu hái xong luôn được để ở những nơi râm mát.
Để đến tay người tiêu dùng phải luôn chú ý trong đóng gói, xếp cuống quả na phải quay xuống dưới, thao tác nhẹ nhàng tránh làm quả na bị thâm đen và mất phấn. Khi vận chuyển thì phải hết sức chú ý, đóng thùng đúng cách, tránh va đập mạnh gây tổn thương cho quả.
Góp phần đảm bảo kinh tế cho người trồng, ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm liên kết tiêu thụ sản phẩm. Có những định hướng phát triển sản xuất tập trung, truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, đến nay tổng diện tích trồng na trên địa bàn là hơn 2.500 ha; trong đó, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đạt khoảng 740 ha, có 4 sản phẩm na Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao.
Vụ na năm 2024, huyện Chi Lăng ước tính sẽ đạt sản lượng khoảng 24.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ). Na Chi Lăng chủ yếu được trồng trên núi đá dốc, hiểm trở, đất thường bị rửa trôi xói mòn mạnh, nhanh bạc màu, bởi vậy các biện pháp kỹ thuật chăm sóc đồng bộ luôn được bà con và chính quyền địa phương quan tâm, hướng đến tăng sự đậu quả, chất lượng và mẫu mã quả.
Ông Lương Thành Chung – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị cùng phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các xã thị trấn để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và sản lượng như thụ phấn, tỉa cành, bón phân; sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh; đặc biệt chú trọng việc bẫy bả ruồi vàng trên toàn bộ diện tích.
Ngoài ra, huyện Chi Lăng cũng luôn chú trọng xây dựng hình ảnh na Chi Lăng, thông qua việc tổ chức các hội chợ thương mại, giới thiệu nông sản; tổ chức truyền thông thương hiệu na, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩ qua các gian hàng nông sản trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Chi Lăng là huyện có diện tích trồng na lớn nhất tỉnh Lạng Sơn; tập trung hầu hết ở 8 xã, thị trấn núi đá của huyện như Mai Sao, Chi Lăng, Vạn Linh, Thượng Cường, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng. Na Chi Lăng nổi tiếng với chất lượng quả to đều, căng mịn, mắt na trắng hồng, cùi dày, ngọt thanh và ít hạt.
Nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng có của Chi Lăng.
Nhận biết na Chi Lăng chính hiệu
Na Chi Lăng được chia thành hai loại là na dai và na bở. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Loại na này có ưu điểm là ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, khi ăn có cảm giác các múi cũng dai hơn. Trong khi đó, na bở thường mềm, dễ vỡ, nát, nhiều hạt và cũng không ngọt thơm như na dai.
Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác. Đối với na Chi Lăng, quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống. Đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Ngoài ra, vỏ na có màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Những quả na Chi Lăng chín tự nhiên không ngâm thuốc có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh. Trong khi đó, na ngâm hóa chất để chín ép rất nhạt, ăn bị sượng và không có mùi vị đặc trưng của na. Màu sắc của na chứa hóa chất cũng không tự nhiên, quả nào cũng đều tăm tắp, không có vết nứt, cuống bị gẫy, vỏ khó bóc.