Nghề lạ ở Việt Nam: 8x bỏ bằng cử nhân về quê trồng cây, thu 200 triệu/năm dễ dàng

( PHUNUTODAY ) - Loại cây này đã mang đến cho người nông dân mức thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Ngọc Uyền Trinh (thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) đã có 4 năm bén duyên với nghề trồng cây si ro. Đến nay vườn cây si ro của chị đã có hơn 56 cây trồng ngoài đất cùng với vườn ươm và nhiều cây giống, cây trồng chậu, thu về gần 200 triệu/năm. Trong quá trình chăm sóc cây si ro chị Trinh gặp không ít khó khăn nhưng cuối cùng chị cũng khởi nghiệp thành công và đưa cây si ro đến rộng rãi hơn với bà con nông dân.

Si ro có tên khoa học là Carissa carandas. L, thuộc họ trúc đào, xuất xứ từ Indonesia, Ấn Độ. Đây là loại cây thân gỗ, sống lâu năm, chiều cao từ 2-4m, thân và cành có gai nhọn. Cây càng to thì càng sai quả, quả mọc thành chùm, đầy sức sống, đẹp nhất là thời gian trái đổi màu từ xanh sang đỏ lợt rồi đỏ sậm, tím đen, trông cực kỳ hấp dẫn. Loại quả này khi xanh có vị chua, khi chín có vị vừa ngọt, vừa chua, thơm mùi si rô.

Chị Trinh dù tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Sinh Lý Thực vật của Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM nhưng với xuất thân nhà nông chị luôn ấp ủ được quay trở về quê nhà để tìm kiếm những cơ hội từ chính nông nghiệp nơi đây. Một lần tình cờ chị biết đến cây si ro trên mạng xã hội, nhận ra tiềm năng kinh tế từ loài cây này nên chị đã tìm giống cây và học hỏi cách chăm sóc.

Sau 2 năm phát triển, cây sinh trưởng tốt cho quả sai trĩu và đẹp, đem quả nấu siro thấy uống rất ngon. Lúc này chị quyết định mở rộng trồng cả một vườn si ro với diện tích 1.000m2 đất. Đó là năm 2019, đúng lúc dịch bệnh ập đến nên chị Trinh cùng gia đình tự thu quả, nấu thành nước siro đem tặng mọi người và lấy hạt gieo mới. Nhờ vậy mà sản phẩm từ cay si ro cũng được bán chạy hơn.

Ngoài lợi nhuận từ nước siro, chị Trinh cũng biến vườn cây trở thành địa điểm check in thu hút nhiều bạn trẻ. Vào năm ngoái, chị Trinh bắt đầu mở cửa vườn cho tham quan miễn phí, khách đến chụp ảnh và quay video lên mạng xã hội nhiều. Vậy nên sản phẩm được nhiều người biết đến và đắt hàng hơn.

Tính riêng năm ngoái, chị Trinh thu lãi được 180 triệu đồng. Loại cây này trồng hạt khoảng 2 năm cho quả còn cây chiết chỉ khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. Một cây si ro trưởng thành bình quân cho thu hoạch khoảng 20kg quả trở lên. Vào mùa chín rộ, vườn được mở cửa để đón khách vào tham quan, chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức và mua các sản phẩm chế biến từ quả si ro ngay tại vườn. Quả si ro được bán với giá 50.000 đồng/kg, chế biến nước giải khát đóng chai 500ml có giá 40.000 đồng/chai. Đặc biệt, trái si ro có thể lên men để làm rượu, quy trình như một số loại rượu vang khác. Vị rượu vang siro gần giống với vị rượu sim rừng.

Tác giả: Trần Thu Thủy