Người gốc Việt Nam duy nhất trở thành hoàng đế Trung Hoa: Là 'hậu duệ xịn' thời nhà Trần?

( PHUNUTODAY ) - Cho tới ngày nay, những tranh cãi xoay quanh câu chuyện một vị hoàng đế Trung Hoa được cho là người mang dòng máu Đại Việt vẫn tiếp tục, chưa có hồi kết.

Cho tới ngày nay, những tranh cãi xoay quanh câu chuyện một vị hoàng đế Trung Hoa được cho là người mang dòng máu Đại Việt vẫn tiếp tục, chưa có hồi kết. Được biết, vị vua này đã đánh bại quân nguyên và chỉ trị vì trong vòng 3 năm. Danh tính người gốc Việt Nam duy nhất trở thành hoàng đế Trung Hoa là hậu duệ thời nhà Trần.

Vị hoàng đế Trung Hoa được cho là người mang dòng máu Đại Việt

Theo như sử sách ghi chép, Vua Trần Thái Tông có 6 người con trai. Sinh thời, ông là một vị vua sáng suốt, yêu nước, thương dân, các con của ông đều là người có văn, có võ, quên mình vì dân tộc. Song cũng có người đoản mệnh mất sớm, nhưng đặc biệt có hoàng tử thứ 05 tên Trần Ích Tắc đã phản bội tổ quốc, đem cả gia quyến đầu hàng quân Nguyên Mông.

Trong bộ quốc sử danh tiếng- Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên cũng ghi chép và hoàng tử này như sau: “Khi Ích Tắc chưa sinh, vua Thái Tông nằm mộng thấy một vị thần có 3 mắt từ trên trời xuống nói rằng: Thần bị Thượng Đế trách phạt, xin ký thác vào vua, sau này lại về phương Bắc. Khi Ích Tắc sinh, giữa trán có vết giống như con mắt, hình dáng cũng giống như người trong mộng”.

Không những vậy, trong cuốn sách cổ “Đông A di sự” - tài liệu quý giá chứa đựng các sự kiện quan trọng của triều đại nhà Trần cũng có ghi chép về việc Huệ Túc phu nhân nói về lá số của vị Hoàng Tử Trần Ích Tắc này: “Thiếp xem Tử Vi cho các thiếu niên trong Hoàng Tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Quang Khải, Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của đệ tứ thái tử Trần Ích Tắc thông minh, nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi”.

Ở thời điểm 1285, khi quân Mông-Nguyên đem quân sang xâm lược nước ta lần thứ 02, thay vì dùng trí thông minh hơn người của mình để cùng huynh đệ đánh đuổi quân xâm lược thì Trần Ích Tắc đã đầu hàng rồi theo về Phương Bắc. Sau đó, ông sinh ra con trai là Trần Hữu Lượng. Vì sự phản bội của Trần Ích Tắc, nhà Trần sau đó đã loại Ích Tắc ra khỏi dòng họ và đổi tên là Ả Trần- mang ý nghĩa hèn nhát, đàn bà.

Theo Việt sử tiêu án được chấp bút bởi Ngô Thì Sĩ cũng có ghi chép về sự kiện này: “Trần Hữu Lượng khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa (Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh).”

Đáng nói, năm 1360, nhờ có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” Trần Hữu Lượng đã nắm cơ hội để xưng Hoàng đế lấy quốc hiệu là Đại Hán, niên hiệu là Đại Nghĩa. Chính quyền Đại Hán một mặt tiếp tục đánh đuổi tàn dư quân Nguyên, thu phục các cuộc khởi nghĩa chống Nguyên khác, một mặt kháng cự với quân đội của Chu Nguyên Chương.

Như vậy, nếu đúng là Trần Ích Tắc có người con là Trần Hữu Lượng như những gì sử Việt ghi chép thì ông chính là Hoàng đế Trung Hoa duy nhất trong lịch sử có gốc Việt là hậu duệ nhà Trần. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu cho rằng nếu nhà Trần nhận lại Trần Hữu Lượng và giúp sức trong việc thống nhất Trung Hoa thì chắc chắn việc Trần Hữu Lượng xây dựng một triều đại vững chắc là một điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nuối tiếc lớn nhất của nhà Trần

Sau khi Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh, thì năm 1368, vua Trần Dụ Tông của Đại Việt phải sang thần phục nhà Minh. Ở Đại Việt, năm 1399, Hồ Quý Ly xử tử 370 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, năm 1400 thì lên ngôi vua. Tuy nhiên, cha con Hồ Quý Ly cũng nhanh chóng đầu hàng khi bị quân Minh tiến đánh. Đây là lần duy nhất Đại Việt bị mất quyền tự chủ bởi phương Bắc tính từ thời Ngô Quyền (năm 939) đến nay. Quân Minh đã vơ vét rất nhiều tài nguyên của Đại Việt. Nhiều người tài giỏi, thầy thuốc có tiếng bị bắt sang phục vụ cho nhà Minh, ví như Hồ Nguyên Trừng là nhân tài người Việt đã sang nhà Minh và sáng tạo ra súng thần công rất nổi tiếng thời đó.

Một số nhà nghiên cứu tiếc nuối cho rằng, nếu vua Trần Dụ Tông liên minh với Trần Hữu Lượng, thì nhiều khả năng Hoàng đế Trung Hoa Trần Hữu Lượng sẽ thật sự thống nhất Trung Hoa với một triều đại vững chắc, không phải chỉ vài năm ngắn ngủi mà là tồn tại trăm năm. Hai triều đại nhà Trần của hai nước sẽ tương hỗ với nhau, và như thế cũng sẽ không xảy ra cái họa Hồ Quý Ly cướp ngôi, Đại Việt cũng không bị xâm chiếm đô hộ bởi nhà Minh. Lịch sử quả thật đã có thể đi theo một chiều hướng khác.

Tác giả: Vũ Thêm