Người phụ nữ mang căn bệnh ung thư hiểm ác rơi nước mắt khi nhắc đến con trai thơ dại
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Hường (37 tuổi) ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM.
Theo thông tin trên Vietnamnet, chị vào TP.HCM đã nhiều năm nay, từ hồi còn rất trẻ. Như bao lao động nhập cư khác, chi làm công nhân may ở một xí nghiệp may gần nơi trọ. Ngày đó, chị lao động đạt năng suất và được hưởng mức thu nhập tương đối khá.
Trong thời gian làm việc tại xưởng may, chị quen anh, cũng là một người thợ may. Anh quê ở Giồng Riềng (Kiên Giang), hơn chị một tuổi. Sau một thời gian dài hẹn hò, năm 2007, cả hai quyết định làm đám cưới.
Kết hôn xong, hai người vẫn tiếp tục làm công nhân may ở xí nghiệp cho đến năm 2012 chị mang thai đứa con đầu lòng. Chuyện kể đến đây, giọng chị chùng xuống, đôi mắt đỏ hoe. "Khi cái thai được ba tháng, tôi bị động thai. Đi khám, bác sĩ khuyên phải nghỉ hẳn không được làm việc quá sức và dưỡng thai cẩn thận mới giữ được đứa bé.
Vậy mà anh ấy không cho tôi nghỉ, bắt phải làm việc để có tiền. Hậu quả đúng như lời bác sĩ, tôi bị hư thai. Còn gì buồn hơn phải dứt bỏ giọt máu của mình. Lúc này, anh ấy cũng không một lời thăm hỏi, an ủi động viên ngược lại, bỏ nhà đi mất", chị kể tiếp.
Chị buồn đau nên nghỉ việc về quê khoảng 2 năm. Trong thời gian này, nhà chồng đã ra tận quê xin lỗi và mong chị tái hợp cùng chồng. "Tôi nghĩ có thể anh ấy đã thấy được khuyết điểm, biết thương vợ và lo cho gia đình nên đã chấp nhận trở lại", chị trải lòng.
Chị lại vào TP.HCM tiếp tục làm công nhân may. Một thời gian sau, người phụ nữ ấy có bầu lần thứ hai.
"Lần này anh cũng lo lắng cho vợ con tuy không trọn vẹn nhưng đỡ hơn lần trước. Tôi sinh được một bé trai, bé Nhật Rin, nay đã 3 tuổi.
Ngày đầy tháng của con anh vui vẻ dự tiệc mừng nhưng sau ngày đó, anh đi biền biệt cho đến nay. Mới sinh con mà không có chồng kề cận, ông ngoại bé Rin phải từ quê Ninh Thuận vào ở chăm cháu từ đó đến nay", chị kể.
Bé Rin lớn lên trong vòng tay thương yêu của mẹ và ông ngoại. Tuy thiếu thốn từ tình cảm đến vật chất nhưng thằng bé vẫn cứ lớn lên, khỏe mạnh. Chị Hường cố gắng hết sức để làm ra tiền nuôi con, nuôi cha.
Cuộc sống ổn định được một thời gian, đến tháng 5/2016, chị Hường cảm thấy sức khỏe yếu đi nhiều. Chị thường bị ngất, khi sờ lên ngực, chị phát hiện có một khối u cứng.
Chị đi khám và bác sĩ xác nhận, chị bị ung thư vú. Nghe đến đây, chị tưởng chừng như trời đất sụp đổ. Chị nghĩ, tiền đâu để chị chữa bệnh và chữa chắc gì đã khỏi? Thằng bé sẽ ra sao nếu không có chị?.
Bằng sự động viên, sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các đồng nghiệp, chị Hường đã nhập viện. Khối u được mổ lấy ra, chị tiếp tục hóa trị. Thời gian hóa trị kéo dài không được bao lâu phải ngưng lại do chị phát hiện thêm căn bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống và thận ứ nước.
Tình cảnh chị Hường hiện rất bi đát khi chồng vẫn biền biệt không một lần trở lại, mẹ con chị sống lầm lũi bên cạnh người cha già ngày đêm lo lắng sức khỏe của con.
Ông Nguyễn Thà, 63 tuổi, cha chị Hường, cho biết: "Nghe tin con bị bệnh nặng tôi đã phải bán hết ruộng vườn để chữa bệnh cho con. Suốt gần 2 năm nay tôi luôn bên cạnh chăm sóc cho cháu vì vợ tôi ở quê nhà sức khỏe yếu, không vào được.
Số tiền ít ỏi đã hết. Cũng may, các chị phụ trách bếp ăn tập thể nơi cháu Hường làm việc trước đây mỗi ngày đem phần ăn qua cho. Bà con hàng xóm cũng hết lòng giúp đỡ chúng tôi".
Chị xin phép nằm xuống vì quá mỏi mệt, đứa con nhỏ đến xoa bóp tay chân cho mẹ. "Mẹ bớt đau chưa?", nó càng hỏi, chị càng xúc động...
Chị giàn giụa nước mắt nói với chúng tôi: "Mắc bệnh hiểm nghèo lại trong tình cảnh thiếu thốn như thế có lẽ cháu không còn sống được bao lâu nữa đâu.
Nỗi lo lắng nhất bây giờ là thằng bé bởi con mồ côi mẹ, vắng cha khi còn quá nhỏ. Phải chi lúc này có được vòng tay của người chồng, cháu có ra đi cũng mãn nguyện...".
Người phụ nữ ung thư giai đoạn cuối chỉ lo cho tương lai hai đứa con
Cùng cảnh ngộ với chị Nguyễn Thị Thanh Hường, chị Phan Thị Khương (SN 1975, trú tại thôn 11, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng đang mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Đối diện với căn bệnh tử thần nhưng chị vẫn chỉ lo nghĩ cho hai đứa con tội nghiệp của mình.
Báo Gia đình và Xã hội đưa tin, ông Trần Ánh, trưởng thôn 11, xã Cổ Đạm chia sẻ: Từ khi sinh ra chị Khương đã không được may mắn như bao người khác. Bẩm sinh, chị đã bị câm điếc, mọi sinh hoạt hằng đều gặp rất nhiều khó khăn.
Số phận không cho phép chị có thể lấy được chồng, nhưng ước mong có được một đứa con nương tựa, bầu bạn luôn cháy bỏng trong người phụ nữ bất hạnh này. Chị âm thầm chuẩn bị kế hoạch làm bà mẹ đơn thân và sau đó chị Khương có hai đứa con 1 trai 1 gái.
Khi sinh ra hai đứa con của chị Khương đã không biết mặt cha, cả hai đứa đều lấy họ mẹ, người con trai tên là Phan Chiến Thắng (SN 1997), con gái tên Phan Thị Yến (SN 2000). Vì hoàn cảnh khó khăn nên hai đứa con của chị Khương lớn lên không được học hành như bạn bè cùng trang lứa. Từ nhỏ hai đứa đã theo mẹ vào miền nam làm thuê kiếm sống qua ngày.
Theo lời kể của bà Hương (hàng xóm chị Khương), năm 2009,vì cuộc sống ở quê gặp nhiều khó khăn, không có việc làm nên chị Khương đã vào Đắk Lắk làm thuê. Sau một thời gian hơn nữa năm chị lại quay trở về quê, ai thuê gì làm nấy, ba mẹ con chị Khương nương tựa vào nhau sống qua ngày. “Chúng tôi là bà con hàng xóm với chị Khương, thấy chị ngày thì tất bật hết việc ruộng đồng, việc làm thuê, tối đến thì ra biển đào sò. Nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ con chị Khương ai nấy cũng không cầm được nước mắt", bà Hương tâm sự thêm.
Những tưởng chị Khương sẽ được khỏe mạnh, để lấy sức làm lụng nuôi dưỡng 2 đứa con khôn lớn trưởng thành, thì bất ngờ tai ương ập tới. Đầu năm 2017, sau khi thấy đau ở ngực, chị Khương vẫn có gắng nằm nhà chịu đựng suốt 1 tuần trời, do không có tiền đi khám. Thấy vậy, nhiều người dân đã quyên góp ủng hộ tiền đưa chị tới bệnh viện, sau đó bác sỹ kết luận chị Khương bị ung thư vú giai đoạn cuối.
Hiện tại, chị Khương đang phải gồng mình chống chọi với căn bệnh quái ác, hằng ngày chị phải dùng loại thuốc đặc trị loại cao. Vì gia đình thuộc dạng đặc biệt khó khăn nên không có khả năng tiến hành phẫu thuật. Để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho mẹ, em Phan Chiến Thắng đang làm thuê ở Bình Dương cũng không thể về chăm sóc mẹ, tất cả sinh hoạt hằng ngày của chị Khương đều do tay con gái út lo liệu.
Ông Ánh cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình chị Khương thuộc diện hộ nghèo, hàng tháng chỉ được trợ cấp tiền điện, ngoài ra không được hỗ trợ gì thêm. Hiện tại, chúng tôi cùng với Chi hội phụ nữ thôn đang kêu gọi các nhà hảo tâm, người dân địa phương ủng hộ giúp đỡ chị Khương bớt tiền thuốc men”.
Nhiều hàng xóm tỏ ra ái ngại về tương lai của ba mẹ con chị Khương, bởi họ biết khi người mẹ này nằm xuống hai đứa con sẽ không biết bám víu vào đâu.
Tác giả: Minh Khánh
-
Chạnh lòng câu chuyện người vợ cụt 2 chân chăm chồng liệt nửa người suốt 5 năm
-
Xót lòng những người mẹ cùng quẫn vì con nhỏ mắc bệnh nan y
-
Ứa nước mắt với lời thỉnh cầu của bé gái không chịu chữa bệnh, để dành tiền cứu em
-
Mong ngóng suốt 9 tháng 10 ngày, mẹ đau đớn vì con ra đi chỉ vỏn vẹn 30 phút trước khi sinh
-
Xót xa những đứa trẻ ngày ngày chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh