Không phải ai cũng có điều kiện sở hữu sân vườn rộng rãi để trồng rau sạch. Tuy nhiên, dù bạn sống trong nhà phố, căn hộ chung cư hay chỉ có một ban công nhỏ, bạn vẫn hoàn toàn có thể trồng được rau tại nhà. Dưới đây là 5 loại rau cực kỳ dễ trồng, phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc và đặc biệt tốt cho sức khỏe mà bất kỳ ai cũng nên thử.
1. Rau muống – Cứ cắm xuống là lên
Rau muống là một trong những loại rau quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Đây là loại rau dễ sống, thích nghi tốt trong điều kiện thiếu đất. Chỉ cần tận dụng vài chiếc chai nhựa cắt đôi, khay xốp hay chậu nhỏ có sẵn, bạn đã có thể bắt đầu trồng rau muống tại nhà.
Cách trồng:
Ngâm hạt giống rau muống trong nước ấm từ 6–8 tiếng, sau đó gieo vào đất tơi xốp.
Tưới nước đều mỗi ngày, giữ ẩm tốt.
Sau khoảng 25–30 ngày, bạn đã có thể thu hoạch lứa đầu tiên.
Hoặc dùng ngọn rau muống đoạn già giâm xuống đất là chúng có thể phát triển cắt tỉa ăn nhiều lần.
Lợi ích: Rau muống giàu chất xơ, sắt, vitamin A, C và chất chống oxy hóa giúp cải thiện hệ tiêu hóa, hỗ trợ phòng chống thiếu máu và tăng cường miễn dịch.
2. Rau cải xanh – Trồng trong khay cũng tươi tốt
Rau cải xanh là lựa chọn lý tưởng nếu bạn muốn có rau sạch ăn quanh năm. Loại rau này dễ trồng, chỉ cần một khay nhựa nhỏ đặt ở nơi có ánh sáng là đủ. Với tốc độ sinh trưởng nhanh và khả năng thích nghi tốt, rau cải xanh là “ứng cử viên sáng giá” cho những ngôi nhà chật hẹp.
Cách trồng:
Ngâm hạt trong nước ấm khoảng 3–4 tiếng.
Gieo trực tiếp vào đất hoặc giá thể sạch.
Tưới nước 2 lần/ngày, hạn chế ánh nắng gắt chiếu trực tiếp.
Bạn có thể dùng hạt cải mầm gieo ăn non trong vòng 7-10 ngày sau gieo.
Lợi ích: Rau cải xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin K, A và canxi, hỗ trợ xương chắc khỏe, làm đẹp da và phòng ngừa bệnh tim mạch.
3. Hành lá, cây hẹ– Trồng từ gốc, tiết kiệm lại hiệu quả
Nếu bạn đang tìm loại rau dễ trồng, không cần hạt giống, thì hành lá chính là lựa chọn hoàn hảo. Chỉ cần giữ lại phần gốc sau mỗi lần nấu ăn, cắm vào nước hoặc đất là hành sẽ mọc lá mới rất nhanh.
Cách trồng: Cắt giữ lại phần rễ trắng, ngâm vào ly nước 1–2 ngày cho mọc rễ mạnh.
Sau đó chuyển sang trồng trong đất hoặc tiếp tục nuôi thủy canh.
Tưới đều và để nơi có ánh sáng nhẹ.
Tương tự thì hẹ cũng như vậy có thể trồng từ gốc hoặc gieo từ hạt.
Lợi ích: Hành, hẹ giàu vitamin C, A, chất chống viêm và hợp chất lưu huỳnh tự nhiên giúp kháng khuẩn, tăng đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa và làm sạch máu.
4. Rau mồng tơi – Mướt mắt, tốt cho tiêu hóa
Rau mồng tơi là loại rau dây leo, rất phù hợp trồng trong chậu treo, khay nhỏ hoặc thậm chí chai nhựa cắt ngang. Càng hái càng ra nhiều lá, mồng tơi là loại rau vừa tiết kiệm lại dễ chăm sóc, không cần đất nhiều nhưng vẫn phát triển xanh tốt.
Cách trồng: Ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 8 giờ trước khi gieo.
Gieo trực tiếp vào đất ẩm, tưới nước đều mỗi ngày.
Sau khoảng 20–25 ngày, bạn có thể bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên.
Lợi ích: Mồng tơi giàu chất nhầy tự nhiên, giúp nhuận tràng, cải thiện hệ tiêu hóa, làm mát cơ thể và hỗ trợ thanh lọc gan.
5. Rau khoai lang – Rau sạch từ thân dây
Rau khoai lang không chỉ là thực phẩm phổ biến ở nông thôn mà còn được nhiều gia đình thành thị ưa chuộng vì dễ trồng, dễ chăm, và không cần diện tích rộng. Chỉ cần vài dây khoai lang là bạn có thể trồng trong chậu, thùng xốp, hay thậm chí chai nhựa cắt đôi, phù hợp với mọi không gian nhỏ.
Cách trồng: Chọn dây khoai lang khỏe, cắt đoạn dài khoảng 20–25cm.
Cắm nghiêng dây vào đất ẩm, để lại vài mắt lá trên mặt đất.
Tưới nước đều mỗi ngày, đặt nơi có ánh sáng nhẹ đến trung bình.
Sau khoảng 15–20 ngày, có thể thu hoạch từng đợt lá non.
Lợi ích: Rau khoai lang chứa nhiều vitamin A, B, C và chất xơ, rất tốt cho tiêu hóa, chống táo bón, hỗ trợ giảm cân, làm mát gan và giúp ổn định đường huyết.
Một vài mẹo nhỏ giúp trồng rau tại nhà hiệu quả hơn:
Tận dụng không gian: Ban công, bệ cửa sổ, cầu thang hay góc bếp đều có thể biến thành "vườn rau mini".
Tái sử dụng đồ cũ: Hộp sữa, chai nhựa, khay xốp… đều có thể dùng để trồng rau tiết kiệm và tiện lợi.
Đảm bảo ánh sáng: Rau cần từ 4–6 giờ sáng mỗi ngày. Nếu không có nắng, bạn có thể dùng đèn LED trồng cây hỗ trợ.
Tưới nước hợp lý: Không nên tưới quá nhiều gây úng hoặc quá ít khiến cây chậm lớn.
Bón phân hữu cơ: Sử dụng phân vi sinh, bã cà phê, nước vo gạo để bổ sung dinh dưỡng an toàn cho cây.
Dù không có sân vườn, bạn vẫn hoàn toàn có thể sở hữu ngay tại nhà với 5 loại rau dễ trồng kể trên. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn thực phẩm, việc tự tay trồng rau còn mang lại niềm vui, giảm stress và góp phần bảo vệ môi trường. Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy bắt đầu gieo những mầm xanh cho tổ ấm của bạn ngay hôm nay!
Tác giả: Như Bình
-
3 mẹo dùng quạt tiết kiệm điện vẫn mát như điều hòa
-
Nhiều khách sạn không còn kiểm tra phòng khi khách check-out: Lý do nhiều người chưa biết
-
Người thông minh hay dán miếng urgo lên điều hòa, biết công dụng ai cũng muốn học theo
-
Trồng cây huyết dụ trong nhà để mang lại năng lượng, niềm tin, may mắn, tài lộc và xua đuổi tà khí
-
Mùa hè treo túi nước trước cửa nhà có lợi ích tuyệt vời, ai cũng muốn học theo