Nhập viện tâm thần vì dùng facebook 10 tiếng/ngày - lời cảnh báo với những ai "nghiện" mạng xã hội

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay, tình trạng nghiện mạng xã hội, nghiện game của giới trẻ dường như đã quá phổ biến tới mức nghiện đã và đang gây ra rất nhiều hậu quả, điển hình nhất là tình trạng mắc bệnh tâm thần.

Nguy cơ mắc tâm thần vì nghiện mạng xã hội

Theo số liệu thống kê trên trang Social Media Today, giới trẻ hiện nay dành ra trung bình 9 giờ mỗi ngày để vào mạng xã hội. Những người có các dấu hiệu như vào mạng liên tục, cứ 30 phút lại vào mạng một lần, dành cả thời gian ban đêm để lên mạng hay bạn nghĩ rằng sẽ chỉ vào mạng một chút nhưng lại "đắm chìm" trong đó lâu hơn dự định... thường dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội. Và nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe, thậm chí mắc bệnh tâm thần là điều rất dễ xảy ra.

Bác sĩ La Đức Cương, giám đốc bệnh viện Tâm thần TW1 cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị tâm thần với nguyên nhân do "nghiện" mạng xã hội.

Theo bác sĩ, thời gian trước đây, các bệnh nhân nghiện mạng xã hội thường tìm đến các quán net nhưng gần đây, Internet ngày càng phổ biến, nhà nào có điều kiện là có thể lắp mạng nên các bạn trẻ thậm chí còn nghiện ngay cả ở nhà.

Các bệnh nhân mắc tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game chủ yếu là thanh thiếu niên từ cấp 2 trở lên và nhiều nhất là ở lứa tuổi cuối cấp 3, sinh viên ĐH. Đây là thời điểm các bạn trẻ có những thay đổi trong tâm lý, tính khí bốc đồng, máu ăn thua nhiều hơn và cũng bị vướng nhiều cám dỗ hơn.

Các bệnh nhân đến viện thường rơi vào các trạng thái đã mắc trầm cảm với các biểu hiện như thất thần, trạng thái đờ đẫn, không tập trung, cơ thể suy nhược, có bệnh nhân bị sút cân nghiêm trọng... Đặc biệt, gần đây, có một trường hợp nam sinh bị lên cơn co giật do sử dụng mạng 10 tiếng mỗi ngày.

Theo bác sĩ Cương, tuy số lượng bệnh nhân đến khám có biểu hiện tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game thời gian gần đây có giảm đi, nhưng tình trạng này vẫn rất đáng báo động. Trong số các bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, vẫn có tới 12 - 15% người mắc bệnh là do nguyên nhân nghiện mạng xã hội và nghiện game.

Sự thuyên giảm này một phần là do cha mẹ đã quan tâm đến con cái nhiều hơn, nhưng một phần cũng do các bệnh nhân không đến viện mà tự tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc chỉ khi bệnh nặng mới tìm đến bệnh viện.

Thực tế tại bệnh viện Tâm thần TW1, các bệnh nhân tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game được đưa tới chủ yếu ở mức sử dụng mạng, chơi game online nhiều giờ trong ngày dẫn đến các rối loạn tâm thần như mất ngủ, bỏ bê học hành và công việc, thậm chí trường hợp nặng hơn còn quên ăn, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, một số thì khép mình, không giao tiếp và có các hành vi bất thường.

Những dấu hiệu nghiện mạng xã hội

Hơn nữa, cần phải chú ý đến các biểu hiện của trẻ để phát hiện khi nào con mình đang bị nghiện và có dấu hiệu mắc bệnh. Theo TS Phương, khi có các biểu hiện dưới đây, thì cần phải có sự can thiệp kịp thời:

- Đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng facebook nhưng không thành công. Cảm thấy có sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều

- Bạn, con em bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng facebook.

- Sử dụng facebook rất nhiều, đến nỗi làm tác động tiêu cực đến công việc, học tập.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị chứng nghiện facebook. Nếu nhận thấy mình có nguy cơ, bác sĩ cảnh báo nên dừng sử dụng facebook, có thể cần sự can thiệp về tâm lý. Tâm lý cũng được xem là liệu pháp nhận thức giúp người bệnh tự ý thức được vấn đề của mình.

Tác giả: Mộc