Những ai không nên ăn cà tím?

( PHUNUTODAY ) - Cà tím là thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm người Việt, tuy nhiên có những người không phù hợp để ăn.

Cà tím là thực phẩm không xa lạ gì với mâm cơm gia đình Việt. Đây là loại rau củ giàu dinh dưỡng, có thể chế biến đa dạng thành nhiều món ăn khác nhau.. Thành phần chủ yếu của cà tím là nước và chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Theo tính toán trong 100g cà tím tươi, có khoảng 25 calo, ít chất béo và không chứa cholesterol, vì thế thực phẩm này rất phù hợp với chế độ ăn kiêng hoặc giảm cân.

Cà tím có chứa nhiều vitamin như vitamin C, K, B6 và các khoáng chất như kali, mangan và folate. Đặc biệt, vỏ cà tím chứa chất chống oxy hóa anthocyanin (nhất là nasunin), có khả năng bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do, giúp ngăn ngừa lão hóa và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.

Cà tím có chứa nhiều vitamin như vitamin C, K, B6 và các khoáng chất như kali, mangan và folate

Mặc dù cà tím tốt nhưng có những người không phù hợp để ăn:

Người có hệ tiêu hóa yếu hoặc hay bị lạnh bụng

Cà tím là thực phẩm có tính hàn, nghĩa là mang tính lạnh theo Đông y. Vì thế nó không phù hợp với người có hệ tiêu hóa yếu, hay bị đau bụng, đầy hơi hoặc tiêu chảy. Nếu ăn cà tím sống hoặc nấu chưa kỹ, người có thể trạng “hàn” dễ bị rối loạn tiêu hóa gây đau bụng, lạnh bụng và chướng bụng. Vì thế khi bụng dạ không ổn định nên hạn chế ăn cà tím.

Người bị viêm khớp hoặc bệnh gout

Cà tím thuộc nhóm thực vật họ cà (Solanaceae), trong đó có chứa các hợp chất như purin và solanine. Purin khi phân hủy trong cơ thể sẽ tạo ra axit uric – nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. Solanine cũng là một chất có thể gây viêm hoặc đau nhức ở một số người có cơ địa nhạy cảm, đặc biệt là người bị viêm khớp. Người xương khớp đau nhức hay bệnh gout nên tránh xa thực phẩm này.

Người bị dị ứng với thực phẩm họ cà

Mặc dù không nhiều, nhưng thực tế có một số người dị ứng với cà tím. Biểu hiện dị ứng có thể bao gồm nổi nốt đỏ, ngứa miệng, sưng môi, nổi mẩn, đau bụng hoặc tiêu chảy. Nguyên nhân là do cà tím chứa các protein giống với phấn hoa hoặc các chất gây dị ứng trong thực vật họ cà. Nếu bạn từng bị dị ứng với cà chua, khoai tây hay ớt chuông, hãy cẩn trọng khi ăn cà tím và nên thử với lượng nhỏ trước.

Người bị dị ứng với thực phẩm họ cà phải tránh xa cà tím

Phụ nữ đang mang thai (đặc biệt là 3 tháng đầu)

Cà tím có tính hàn, nếu ăn nhiều có thể làm rối loạn tiêu hóa, trong khi phụ nữ mang thai rất nhạy cảm, bụng dạ hay yếu, đi ngoài hoặc táo bón. Vì thế, khi có thai nên ăn ít cà tím. Ngoài ra, nếu ăn nhiều ở giai đoạn 3 tháng đầu còn khiến cơ thể khiến tử cung co bóp rất nguy hiểm.

Người bị thiếu máu hoặc suy nhược cơ thể

Cà tím là thực phẩm có chứa một số hợp chất phenolic có thể cản trở sự hấp thu sắt, đây là một khoáng chất quan trọng trong việc tạo máu. Người bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc người suy nhược nên hạn chế ăn nhiều cà tím, đặc biệt là ăn kèm với thực phẩm giàu sắt vì có thể làm giảm hiệu quả hấp thu dinh dưỡng. Ăn quá nhiều cà tím gây thiếu máu làm da xẻ xanh xao, bệnh tật…

Người đang dùng thuốc chống đông máu

Cà tím rất giàu vitamin K, một loại vitamin ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đông máu. Đối với người đang sử dụng thuốc chống đông như warfarin, việc ăn quá nhiều cà tím có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, gây mất cân bằng đông máu. Những người này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa cà tím vào chế độ ăn hàng ngày.

Tác giả: Dương Thuỵ