Cơ thể có 6 dấu hiệu này chứng tỏ bạn đang ăn quá nhiều đường

09:48, Thứ tư 30/04/2025

( PHUNUTODAY ) - Ăn nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường này, bạn nên kiểm tra lại chế độ ăn uống của mình.

Đường được sử dụng nhiều trong các loại đồ ăn, nước uống để tạo ra hương vị ngọt ngào, hấp dẫn. Loại gia vị này cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể trong thời gian ngắn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng quá nhiều.

Nạp vào cơ thể một lượng đường lớn trong thời gian dài sẽ khiến các tế bào có xu hướng kháng insulin, gây ra viêm hệ thống. Hiện tượng viêm này có thể gây ra các bệnh liên quan đến tiêu hóa, tiểu đường loại 2 cũng như nhiều bệnh mạnh tính khác, làm gairm chất lượng cuộc sống.

Theo Vnexpress, Hiệp hội Tim mạch Mỹ có đưa ra khuyến nghị về lượng đường sử dụng trong một ngày với từng đối tượng như sau: Trẻ nhỏ và phụ nữ không dùng quá 6 thìa cà phê đường/ngày; nam giới không dùng quá 9 thìa cà phê đường/ngày. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại đường nào.

Khi tiêu thụ quá nhiều đường, cơ thể của bạn có thể xuất hiện những hiện tượng sau:

Thèm ăn đồ ngọt, ăn nhiều hơn, nhanh bị đói

Nếu bạn cảm thấy mình thường xuyên thèm ăn đồ ngọt thì hãy cẩn thận. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang tiêu thụ đường quá mức. Sau một thời gian ăn nhiều đường, cơ thể đã quen với hương vị đó. Khi ăn đồ ngọt, lượng hormone hạnh phúc dopamine trong cơ thể tăng lên, sự gia tăng dopamine lại khiến cơ thể thèm đồ ngọt nhiều hơn. Điều này xảy ra như một vòng lặp không hồi kết. Càng ăn nhiều đồ ngọt, bạn sẽ càng cảm thấy thèm đồ ngọt nhiều hơn.

Ngoài ra, một số chất thay thế đường được nhiều người tin rằng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe nhưng chúng hoàn toàn có thể tăng cảm giác thèm ăn đồ ngọt.

Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt cũng khiến bạn nhanh đói hơn, cần ăn nhiều hơn. Đường cung cấp một lượng calo lớn cho cơ thể. Các món đồ ngọt có xu hướng chứa ít chất xơ, thiếu chất béo lành mạnh, không mang lại cảm giác no trong thời gian dài. Khi ăn đồ ngọt, cơ thể nhanh chóng đốt cháy đường. Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy nhanh đói hơn.

Hormone leptin có vai trò ức chế cơn đói của cơ thể cũng bị đường làm ảnh hưởng, gây ra tình trạng cơ thể thèm ăn nhiều hơn.

Thường xuyên mệt mỏi

Một nghiên cứu của Đại học Kansas (Mỹ) năm 2020 cho thấy ăn nhiều đường gây ra rất nhiều vấn đề cho cơ thể như thúc đẩy tình trạng viêm, khiến tâm trạng xấu đi, dễ dẫn tới trầm cảm.

Đường huyết có thể tăng lên nhanh hơn khi con người có một bữa ăn nhiều đường, ít đạm và chất béo. Cơ thể nhanh chóng hấp thu và tiêu hóa các chất tạo ngọt nhưng chỉ sau khoảng 30 phút, cơ thể đã có thể cảm nhận được một cơn đói mới và gây ra cảm giác mệt mỏi.

Các vấn đề về da

Khi ăn nhiều đường, da của bạn sẽ gặp nhiều vấn đề như mụn trứng cá, nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn. Đường dưa thừa trong cơ thể có thể gây ra tình trạng kháng insulin. Nó sẽ khiến mụn trứng cá phát triển nhiều hơn. Ngoài ra, quá trình chuyển hóa lượng đường dư thừa trong cơ thể cũng sản sinh ra glycation. Chất này đẩy nhanh quá trình lão hóa trong cơ thể, đặc biệt là với da, tăng tốc độ hình thành nếp nhăn trên da.

Cơ thể có nhiều dấu hiệu tiêu cực nếu bạn ăn nhiều đường.
Cơ thể có nhiều dấu hiệu tiêu cực nếu bạn ăn nhiều đường.

Sâu răng

Đường là thắc ăn yêu thích của các loại vi khuẩn có trong khoang miệng. Ăn quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh răng miệng như sâu răng.

Ngoài việc cắt giảm lượng đường, để phòng ngừa bệnh răng miệng, bạn nên súc miệng sau khi ăn đồ ngọt.

Thay vì ăn đồ ngọt, hay chuyển sang ăn những loại rau củ quả tươi giàu chất xơ, uống trà, nhai kẹo cao su không đường.

Hệ tiêu hóa gặp vấn đề

Việc tiêu thụ nhiều đường có thể liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đau dạ dày. Đường có thể khiến vi khuẩn xấu trong hệ tiêu hóa phát triển, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Kết quả là cơ thể gặp vấn đề về chuyển hóa, giảm khả năng xử lý lipid và cholesterol.

Người người đã phẫu thuật dạ dày tiêu thụ nhiều đường có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn...

Huyết áp cao

Tiêu thụ các loại đồ uống nhiều đường được cho là có liên quan đến vấn đề huyết áp cao, làm tăng tỷ lệ bị tăng huyết áp. Đây là kết quả được một nghiên cứu năm 2014 của Bệnh viện Griffin (Mỹ) chỉ ra. Đường trong máu cao có thể phá hỏng niêm mạc mạch máu. Khi đó, cholesterol dễ dàng bám vào thành mạch, làm mạch cứng lại và gây ra tình trạng tăng huyết áp.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Nguyệt Tú
Từ khóa: ăn nhiều đường