Tại sao nên đi chùa?
Chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Việt từ rất lâu đời. Theo phong tục cổ truyền thì người Việt trong các ngày mùng 1, ngày rằm hay ngày lễ tết, hoặc những ngày trọng đại thường đến chùa cầu khấn. Nhờ vào nghiệp lực vô biên của Phật, Bồ Tát đại bi và Hiền Thánh mọi việc người trần cầu khấn đều có thể trở thành hiện thực.
Những điều trong văn khấn đi chùa của mọi người thường là cầu duyên, cầu may, cầu sức khỏe, cầu sống lâu, cầu tai qua nạn khỏi, cầu yên vui thân mệnh, cầu gia đình hạnh phúc hoặc cho thế giới mãi hòa bình,... Mọi ước vọng thể hiện trong các bài văn khấn sẽ có thể đến với người ở thế giới bên kia và mang đến những ý nghĩa tâm linh trong đời sống người đang sống.
Khi đi chùa cần sắm những lễ gì?
Không cần quá cầu kỳ nhưng lễ vật để đi chùa cần phải tuân thủ đúng quy định hành lễ. Đó là:
Khi đi dâng hương tại chùa chỉ sắm lễ chay. Ví dụ như: hoa, quả, oản phẩm, xôi chè, hương,... không nên sắm đồ ăn mặn như thịt, giò, chả,... Bởi quan niệm của người xưa cho rằng sắm đồ mặn sẽ chỉ được chấp nhận nếu khu vực của chùa có vị Thánh, Mẫu. Không dâng đồ ăn mặn ở khu vực Phật điện có nghĩa là những thờ tự chính ở các ngôi chùa.
Hơn nữa không nên sắm tiền âm phủ hay đồ vàng mã để dâng lễ Phật ở chùa. Nếu sắm những lễ vật này rồi thì bạn nên đặt ở bàn thờ Thánh Mẫu, Thần Linh hoặc bàn thờ Đức Ông. Tại ban thờ Phật, Bồ Tát (ở chính điện) kiêng tiền âm phủ, đồ hàng mã và ngay cả tiền thật. Tiền thật có thể cho vào hòm công đức của chùa.
Loại hoa dâng lễ Phật là hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoặc hoa sen,... không nên dùng hoa dại. Ngoài ra trước khi dâng hương lễ Phật ở Chùa cần chay tịnh như kiêng giới, làm việc thiện, ăn chay,...
Lễ vật sắm sửa cầu siêu cho ông bà, cha mẹ thậm chí là cô hồn vào rằm tháng 7 tại chùa thì sắm những đồ đặc trưng như: đồ hàng mã mũ, áo, xe,... nhưng tuyệt đối không sắm hình nhân thế mạng. Cúng chúng sinh không thể thiếu cháo lá đa, bánh đa, khoai,... Những lễ vật này đều dâng lên bàn thờ Đức Thánh chứ không dâng Phật. Còn nếu gia đình muốn cầu siêu thì nên hỏi qua chỉ dẫn của các vị tăng trụ của chùa.
Những điều không nên cầu khấn khi đi chùa ngày Tết
- Một là đừng cầu thân thể không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì lòng tham sẽ dễ sinh. Muốn lấy thuốc lành trị bệnh khổ, thì nên thực hành giác ngộ giải thoát khỏi thế giới Ta-bà này.
- Hai là đừng cầu không khó khăn, vì có có khăn thì đạo tâm mới kiên cường. Bước qua được khó khăn thì con đường càng lớn, mỗi lần vượt qua trở ngại thì bầu trời càng cao rộng hơn.
- Ba là đừng cầu tâm không khúc mắc, vì tâm không khúc mắc thì ngạo mạn dễ sanh. Vườn tâm thường nhổ cỏ phiền não, vô minh trở thành vô lượng ánh sáng quang minh.
- Bốn là không cầu lợi về mình, chấp trước vào mình dễ sinh vào ba cõi xấu. Nguyện chịu bệnh khổ thế chúng sinh, khiến họ đều được thân tâm an lạc.
- Năm là đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng tôi luyện thì sao thành Phật. Ma là bạn tốt của người tu hành, người đức cao tự hàng phục được các loại ma.
- Sáu là không cầu làm việc mong dễ thành công vì người ở trong cảnh thuận lợi khó tu hành. Nghịch cảnh thuận cảnh không phân biệt, việc thành việc bại đều như nhau.
- Bảy là không cầu danh lợi, tham muốn danh lợi dễ đọa vào luân hồi. Luôn nhớ danh lợi như giấc mộng hão huyền, cam nguyện âm thầm làm người cống hiến.
- Tám là làm ơn không cầu mong báo đáp, vì muốn người báo đáp thì con đường làm ơn đã sai lệch. Tùy duyên dứt nghiệp đoạn sanh tử, không nợ không thiếu sống an nhàn.
Chín là oan ức không cầu biện bạch, nhẫn nhục chịu đựng trả món nợ xưa. Người khác đánh đập mắng chửi là trợ hạnh cho mình, quên hết ân sủng hay bị làm nhục thì công đức mới vẹn toàn.
- Mười là không cầu người khác giúp mình, tự lực cánh sinh không nên phan duyên. Khi có điều mong cầu thì lúc đó có khổ, lúc không có gì để mong cầu thì được tự do tự tại.
Tác giả: Phạm Đông