Ở phố hay về quê làm việc: Ở đâu cũng được, nhưng cần trả lời 3 câu hỏi quan trọng sau để quyết định

( PHUNUTODAY ) - Đã là quyết định cá nhân thì không có quyết định nào là đúng chính xác 100% với tất cả mọi người. Chỉ có đúng người đó và đúng thời điểm đó mà thôi.

Dù ở đâu thì cũng đừng làm ‘công việc sai’

Dù ở lại thành phố hay về quê, nếu bạn chọn một công việc không đúng với sở thích, năng lực và cá tính của mình, bạn vẫn sẽ cảm thấy không vui. Lấy ví dụ, bạn là một người thích nghệ thuật và cái đẹp chọn làm công việc kế toán ở thành phố. Hay một ví dụ khác bạn là một người thích văn phòng, số liệu lại phải làm công việc nông nghiệp ở quê. Lúc này phố hay quê không phải là tiêu chí hạnh phúc chính, mà cần phải đặt lên bàn cân độ phù hợp giữa đặc tính cá nhân của bạn và đặc tính của công việc.

Một trong những công cụ giúp bạn xác định được đặc tính cá nhân của bản thân và công việc là công cụ Holland. Công cụ này hiểu đơn giản rằng, mỗi người chúng ta thuộc vào 2-3 nhóm tính cách trong 6 nhóm tính cách bên dưới, nếu chúng ta làm đúng công việc có cùng nhóm tính cách đó, chúng ta sẽ vui vẻ hơn.

- Kỹ thuật: Thích làm với những vật cụ thể, máy móc, dụng cụ, cây cối, con vật hoặc các hoạt động ngoài trời.

- Nghiên cứu: Thích quan sát, tìm tòi, điều tra, phân tích, đánh giá hoặc giải quyết vấn đề.

- Nghệ thuật: Có khả năng nghệ thuật, sáng tác, trực giác và thích làm việc trong các tình huống không có kế hoạch trước như dùng trí tưởng tượng và sáng tạo.

- Xã hội: Thích làm việc cung cấp hoặc làm sáng tỏ thông tin, thích giúp đỡ, huấn luyện, chữa trị hoặc chăm sóc sức khoả cho người khác, có khả năng về ngôn ngữ.

- Quản lý: Thích làm việc với những người khác, có khả năng tác động, thuyết phục, thể hiện, lãnh đạo hoặc quản lý các mục tiêu của tổ chức, các lợi ích kinh tế.

- Nghiệp vụ: Thích làm việc với dữ liệu, con số, có khả năng làm việc văn phòng, thống kê, thực hiện các công việc đòi hỏi chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận hoặc làm theo hướng dẫn của người khác.

Ví dụ nếu bạn là nghệ thuật và xã hội, bạn có thể phù hợp với công việc trị liệu tâm lý. Hay bạn có nhóm Quản lý, bạn sẽ thoải mái khi làm nhân viên kinh doanh. Hay một người Nghiên cứu hợp với nghiên cứu thị trường...

Trong trường hợp bạn chưa chọn được cái nào đúng và hợp với mình nhất, hãy bắt đầu với việc đừng lựa chọn sai. Ví dụ, bạn ghét nhất "Nghiệp vụ" mà phải làm Kế toán. Hay bạn ghét nhất "Xã hội" mà phải làm công việc bán hàng là lựa chọn sai bét.

Biết đủ mới là đủ

"Biết đủ là đủ", nhưng những người trẻ như tôi mấy ai dám tự tin vỗ ngực biết "mức đủ" của bản thân? Tôi không là họ nên không thể trả lời loạt câu hỏi này, và tôi lại nghĩ về chuyện hay là bỏ quê về phố?

Xã hội hiện đại là xã hội chuyên môn hóa, một đối cực của lối sống "tự cung tự cấp". Tại sao không phát huy hết sức mạnh ở chuyên môn được đào tạo để lấy tiền mua lại những thứ cần thiết? Tôi vẫn không hiểu tại sao một người tốt nghiệp ngành kiểm toán lại đi về quê trồng rau, nuôi gà, sống với số thu nhập ít ỏi. Mà trồng rau, nuôi gà vẫn cần phải được đào tạo và có kỹ thuật riêng chứ!

Tôi biết xã hội hiện tại không để sót người tài, chỉ cần chứng minh được bạn có tài, không thiếu công ty trong nước, ngoài nước mời bạn. Dĩ nhiên chứng minh như thế nào là tài năng mỗi người, quan hệ của mỗi người và nỗ lực của mỗi người. Người giỏi sẽ có công việc tốt. Người ít giỏi hơn vẫn sẽ có việc làm ở vị trí khiêm tốn hơn.

Trong cuộc cạnh tranh tìm chỗ đứng ở thành thị, những người ít tài năng, lười cố gắng nhất sẽ thế nào? Và con đường họ chọn có thể là về quê theo cách dân gian hay nói là "về quê đuổi gà".

Ở phố hay ở quê không quan trọng, quan trọng là người trẻ phải phát huy hết tố chất của bản thân, khám phá hết sức mạnh bản thân, chứ không phải cố gói ghém nhu cầu bản thân. Bỏ phố về quê là một sự lựa chọn tùy hoàn cảnh, điều kiện và cả năng lực từng người, chứ không phải là một trào lưu. Bỏ phố về quê là một sự chọn lựa sinh kế bền vững, không phải tìm về nơi yên bình, cũng không phải là sự "trốn chạy" khỏi thị thành.

Tác giả: Mộc